Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường - Bài 3: Kết nối chuỗi cung ứng liên vùng

Một trong những nội dung trọng tâm của chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh là tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường.

Cùng với đó, qua 20 năm triển khai chương trình đi vào chiều sâu là nhờ vào kết quả từ việc TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiều chương trình, đề án bổ sung hỗ trợ; thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, phát triển...

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Tạo nguồn hàng nội địa

Hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển, minh bạch và lành mạnh thị trường nội địa, chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ với các chương trình, đề án lớn của thành phố; trong đó, có thể kể đến như chương trình kích cầu đầu tư; chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị; chương trình kết nối cung - cầu, phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu, tạo nguồn hàng với các tỉnh, thành… 

Với bối cảnh, nguồn hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu TP Hồ Chí Minh tự cung ứng khá hạn chế, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ những địa phương lân cận, công tác tạo nguồn hàng bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố được gắn chặt với chương trình hợp tác thương mại, kết nối cung – cầu với các tỉnh, thành lân cận. Cụ thể, nguồn cung thịt gia súc, thịt gia cầm chủ yếu từ tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương...; rau củ, quả (Lâm Đồng, Tiền Giang); gạo (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang...).

Mặc dù vậy, trước năm 2011, hoạt động lưu thông hàng hóa từ các tỉnh, thành về TP Hồ Chí Minh mang tính tự phát, nguồn hàng không ổn định do thiếu thông tin thị trường. Điều này còn dẫn đến tình trạng thị trường hàng hóa của TP Hồ Chí Minh lúc thừa, lúc thiếu; kiểm soát về an toàn thực phẩm chưa chặt chẽ; chi phí vận chuyển cao do không được sơ chế tại nguồn...

Nhận thức được yêu cầu phải có sự gắn kết giữa các địa phương, thúc đẩy việc hình thành đa dạng chuỗi cung ứng, phát huy thế mạnh liên vùng; đồng thời TP Hồ Chí Minh cũng đã ký hợp tác kinh tế - xã hội với 35 tỉnh, thành trên cả nước. Trong lĩnh vực thương mại, được sự chỉ đạo của Thành ủy, Tỉnh ủy, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành; ngày 12/12/2011 Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã ký Bản thỏa thuận hợp tác thương mại với Sở Công Thương của 20 tỉnh, thành. 

Đến nay, ngành công thương TP Hồ Chí Minh đã ký hợp tác thương mại với 22 tỉnh, thành, gồm: 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; 5 tỉnh vùng Đông Nam Bộ; 1 tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung bộ; 3 tỉnh vùng Tây Nguyên. Để triển khai hiệu quả, Sở Công Thương các tỉnh, thành đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai việc quản lý nhà nước, quy hoạch ngành, hợp tác đầu tư, liên kết trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ... nhằm nâng cao chất lượng của chương trình. 

Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa đã trở thành sự kiện thường niên từ năm 2012 đến nay, mỗi kỳ tổ chức thu hút bình quân hơn 40 địa phương tham gia và là nơi gặp gỡ giao thương giữa hệ thống phân phối, nhà tiêu thụ với nhiều nhà cung cấp. Lũy kế đến nay, hội nghị này đã kết nối thành công 4.347 hợp đồng, biên bản ghi nhớ với giá trị thực hiện ước đạt bình quân 7.000 tỷ đồng/năm.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, sự phối hợp giữa Đồng Tháp và TP Hồ Chí Minh thực hiện bình ổn thị trường đã giúp cộng đồng doanh nghiệp của hai địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng nguồn nguyên liệu an toàn, kênh phân phối hàng hóa... của nhau. TP Hồ Chí Minh giới thiệu cho Đồng Tháp các doanh nghiệp bình ổn thị trường tham gia Phiên chợ hàng Việt về nông thôn, cụm công nghiệp gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". 

TP Hồ Chí Minh hỗ trợ liên kết đầu tư giữa hai địa phương về phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã hình thành đa dạng chuỗi cung ứng hàng hóa với nhiều thương hiệu bán lẻ đến từ TP Hồ Chí Minh như siêu thị Co.opmart chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh... 

Còn đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho hay, đối với chương trình Bình ổn thị trường đã được UBND tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo thực hiện liên tục từ năm 2011 đến nay. Hàng hóa sản xuất tại địa phương được tạo điều kiện thuận lợi tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của TP Hồ Chí Minh, không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, mà còn có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất chuyển dịch theo hướng văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp thương mại của TP Hồ Chí Minh đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất được chính quyền địa phương của tỉnh quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện. Cụ thể, trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ngành công thương Đồng Nai đã quan tâm xử lý nhanh chóng như cấp phép, xác nhận đăng ký chương trình khuyến mại... tạo cơ hội kích cầu tiêu dùng cho doanh nghiệp và thị trường. 

Tiếp sức doanh nghiệp phát triển

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.op Mart Rạch Miễu, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Hàng năm, TP Hồ Chí Minh luôn mở rộng, tích cực vận động, mời gọi doanh nghiệp tham gia chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh với nhiều hình thức cung ứng, phân phối, hỗ trợ tín dụng... Đồng hành cùng chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh, nhiều thương hiệu doanh nghiệp đã được người tiêu dùng biết đến và gắn liền với thương hiệu bình ổn thị trường, hưởng ứng tích cực cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Thông qua chương trình, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, liên kết đầu tư, đến nay phần lớn doanh nghiệp bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh đều đã xây dựng các chuỗi liên kết hoàn chỉnh, hình thành vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài tại thành phố và các tỉnh, thành. Điển hình, các doanh nghiệp sản xuất như Ba Huân, San Hà, Vĩnh Thành Đạt… đều có nhà máy chế biến thực phẩm quy mô lớn, hiện đại đồng thời thiết lập hệ thống trang trại chăn nuôi, liên kết phủ khắp các tỉnh, thành.

Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (VISSAN) đánh giá, khi tham gia chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh, doanh nghiệp nhận được nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển sản xuất kinh doanh, bên cạnh cũng gặp một số khó khăn. Đối với VISSAN, qua 19 năm liên tục đồng hành cùng chương trình đã có động lực mạnh mẽ thực hiện nhiều giải pháp tái cấu trúc hoạt động từ khâu thu mua nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, giết mổ, dự trữ, lưu thông phân phối... giúp doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.

Chương trình giúp tạo cầu nối giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng mang lại ít thiết thực cho các bên. Trong đó, người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa với giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo; còn nhà sản xuất được tạo điều kiện sản xuất, đầu ra ổn định và doanh nghiệp phân phối ổn định nguồn cung cho thị trường.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc Công ty TNHH San Hà cho rằng, tác động của chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại trên địa bàn thành phố mà còn lan tỏa mạnh mẽ đến nhiều tỉnh, thành cả nước. Điều này, góp phần khai thác đa dạng tiềm năng và nâng tầm quan hệ hợp tác phát triển kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương theo hướng thiết thực và hiệu quả. 

Chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh không chỉ trở thành thương hiệu của thành phố mà còn mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp an tâm đầu tư nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị, máy móc... để làm sao cho giá thành thấp và chất lượng, giá cả đủ sức cạnh tranh phục vụ người tiêu dùng ngày một tốt hơn. 

Là doanh nghiệp bình ổn thị trường nhiều năm qua, San Hà được tham gia đa dạng chương trình xúc tiến thương mại, chương trình kết nối cung cầu với các địa phương, được tiếp cận nguồn cung ứng liệu phong phú hơn, có truy xuất nguồn gốc... Từ đó, doanh nghiệp bảo đảm cho chất lượng hàng hóa sản phẩm doanh nghiệp được nâng cao, góp phần để cung ứng thị trường sản phẩm an toàn, giá cạnh tranh... và xây dựng được thương hiệu doanh nghiệp. 

Ghi nhận ý kiến một số doanh nghiệp khác cũng cho rằng, người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm chất lượng với giá bình ổn là nhân tố chính tạo động lực cho doanh nghiệp cải thiện tổ chức sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh không dừng lại ở việc giúp doanh nghiệp giá trị gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa mà còn tăng cường liên kết doanh nghiệp các tỉnh, thành nhằm tạo điều kiện sản phẩm vùng miền mang từ các địa phương đến với thị trường TP Hồ Chí Minh. 

Ngược lại, những sản phẩm chế biến tại TP Hồ Chí Minh cũng được phục vụ khắp thị trường các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, giao thương kết nối sẽ là động lực giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh thị trường thương mại tự do.

Bài cuối: Nâng tầm chương trình cho giai đoạn mới

Mỹ Phương (TTXVN)
Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường - Bài cuối: Nâng tầm chương trình cho giai đoạn mới
Điểm sáng 20 năm bình ổn thị trường - Bài cuối: Nâng tầm chương trình cho giai đoạn mới

Dựa trên nguyên tắc “Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ... điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém…”, trong giai đoạn 2022-2032, chương trình Bình ổn thị trường TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chủ động nguồn cung, điều tiết cung – cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN