Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2016, Mỹ tiêu dùng hàng dệt may giảm hơn 4,8%, Nhật Bản giảm 1,7%, Hàn Quốc cũng giảm hơn 4%, chỉ có châu Âu tăng 5%. Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước, xuất khẩu dệt may vào các thị trường này đều tăng trưởng dương. Cụ thể, xuất khẩu vào Mỹ tăng 4,2%, châu Âu 5,4%, Nhật Bản 4,5% và Hàn Quốc 4,2%.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Tuy vậy, tổng mức tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt 5,2%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích những khó khăn bất ngờ xảy đến với dệt may Việt Nam trong năm 2016. Cụ thể, Anh là nước nhập khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam trong khối EU nên việc nước này tuyên bố tách khỏi EU (Brexit) ngay lập tức tác động đến dệt may Việt Nam. Nhiều đơn hàng bị đình trệ.
Tiếp đó, Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không ủng hộ và rút khỏi TPP đã ngay lập tức tác động tiêu cực đến xuất khẩu dệt may Việt Nam khi Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam lớn nhất. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng sang đặt hàng ở những nước có lợi hơn về thuế như Campuchia, Bangladesh, Myanmar…
Theo ông Trường, Tập đoàn có nhiều công ty lớn, nhiều bạn hàng truyền thống nên chịu ảnh hưởng ít hơn, còn nhiều doanh nghiệp ngoài Tập đoàn do quy mô nhỏ, kinh nghiệm ít nên chịu tác động mạnh.
Những khó khăn như trên được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2017 này. Theo ông Hoàng Vệ Dũng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang, hiện nay các doanh nghiệp dệt may phải rất khó khăn để kí được các đơn hàng từng quý, thậm chí từng tháng. Các bạn hàng nước ngoài thắt chặt chi tiêu, đồng thời chuyển hướng sang các thị trường khác nên rất khó để kí được các hợp đồng dài hạn, nửa năm hoặc một năm.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, năm 2017 và những năm tiếp theo, dệt may Việt Nam tiếp tục là mục tiêu cạnh tranh của các nước. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng sản phẩm, chăm sóc tốt bạn hàng, đầu tư nhiều “chất xám” để tạo ra những sản phẩm mới lạ.
Cũng theo Hiệp hội Dệt May, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành đề xuất Nhà nước không tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2017 và chỉ nên điều chỉnh tăng 2-3 năm/lần để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.