Đề xuất xây thêm nhà máy thủy điện - Bài 1: Lo lắng tác động đến di tích quốc gia

Sau khi TTXVN có loạt bài viết về việc nhà đầu tư đề xuất xây dựng 3 dự án thủy điện trên sông Kỳ Lộ (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), độc giả tiếp tục phản ánh thông tin về dự án thủy điện Đồng Cam.

Dự án thủy điện này do Tổng Công ty Cơ điện xây dựng - CTCP (AGRIMECO) báo cáo đề xuất về cơ hội đầu tư với UBND tỉnh Phú Yên. Trong quá trình thẩm định, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Yên lo lắng về việc dự án này tác động đến Di tích quốc gia “Danh lam thắng cảnh Đập Đồng Cam” với giá trị cảnh quan và kiến trúc xây dựng đã hơn 100 năm. Trong khi đó nhà đầu tư lại cam kết dự án sẽ góp phần làm cho danh thắng Đồng Cam đẹp hơn, hiện đại hơn...

Chưa có trong quy hoạch

Chú thích ảnh
Đập thủy nông Đồng Cam là danh thắng cấp quốc gia và có giá trị cảnh quan, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng độc đáo và tuổi đời đã hơn 100 năm. 

Dự án thủy điện bậc thang Đồng Cam được đề xuất xây dựng trên sông Ba khu vực huyện Phú Hòa và Tây Hòa (tỉnh Phú Yên). Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, vị trí thực hiện dự án nhà máy thủy điện Đồng Cam có vị trí thuộc tiểu khu 3.9 (xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa); tiểu khu V9.1 (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa). Tổng diện tích khoảng 51,80 ha; trong đó, huyện Sơn Hòa chiếm diện tích đất liền và mặt nước 9,5 ha (đất liền 2,5 ha; mặt nước 7,0 ha); huyện Tây Hòa chiếm diện tích 42,3 ha.

Nhà máy thủy điện Đồng Cam dự kiến được bố trí ở bờ Nam sông Ba phía hạ lưu đập thủy nông Đồng Cam khoảng 1km. Nhà máy có kết cấu bê tông cốt thép bố trí 2 tổ máy cột nước thấp kiểu bóng đèn (Bulb) có tổng công suất 50 MW. Tổng vốn đầu tư hơn 1.471 tỷ đồng.

Dự kiến tuyến đập thủy điện Đồng Cam (đập cao su) bố trí về phía thượng lưu đập Đồng Cam khoảng 2km. Đập tràn toàn tuyến dài 650m bằng đập cao su; chiều cao đập lớn nhất là 3m nằm trên nền đá gốc granit rắn chắc.

Dung tích hồ chứa nước khoảng 15,4 triệu m3. Đập tràn có cửa van dài 10m, có đáy đặt sát đáy sông, luôn mở để tháo dòng chảy do các nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ, Sông Hinh cấp cho đầu mối thủy nông Đồng Cam. Hệ thống kênh dẫn hở, cửa lấy nước và đường hầm áp lực bằng kết cấu bê tông cốt thép có lót thép dài 438m dẫn nước vào nhà máy thủy điện...

Nhà đầu tư cho rằng, việc nghiên cứu, đề xuất bậc thang thủy điện cột nước thấp Đồng Cam trên sông Ba vừa tận dụng nguồn thủy năng còn dư thừa mà không ảnh hưởng đến quy trình vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông; không ảnh hưởng đến nhiệm vụ cấp nước của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Dự án góp phần xây dựng phát triển kinh tế địa phương là cần thiết và cấp bách.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên khẳng định: Về đất đai việc lập dự án thủy điện Đồng Cam phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Yên cho biết thêm, theo Quy hoạch điện VIII, tỉnh Phú Yên hiện chỉ có 3 dự án nhà máy thủy điện là Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 (thượng nguồn sông Kỳ Lộ của huyện Đồng Xuân với tổng công suất 36 MW). Dự án thủy điện Đồng Cam đang ở bước khởi đầu là báo cáo cơ hội đầu tư.
 
Nhà đầu tư nhận thấy vị trí này thuận lợi cho việc triển khai dự án nên nghiên cứu đề xuất và các cơ quan chuyên môn đang thẩm định. Ngoài thẩm định của cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Yên, có thể suy nghĩ và đề xuất phương án mời đơn vị tư vấn độc lập để tăng tính khách quan. Nếu dự án này có tính khả thi, Sở Công Thương tỉnh Phú Yên mới trình cấp có thẩm quyền bổ sung vào quy hoạch. Tại tỉnh Phú Yên, hiện chưa có dự án nào áp dụng công nghệ làm thủy điện bằng hình thức đập cao su như đề xuất của nhà đầu tư.

Trong văn bản tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ đề xuất ý tưởng khảo sát, nghiên cứu dự án thủy điện Đồng Cam nhà đầu tư cho biết: Sau khi được UBND tỉnh cho phép sẽ tiến hành khảo sát chi tiết, lập báo cáo bổ sung quy hoạch dự án thủy điện Đồng Cam.
 
Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở và được bổ sung hoàn thiện trong quá trình thực hiện. Vậy nên, sau khi được UBND tỉnh Phú Yên cho phép, nhà đầu tư sẽ xin bổ sung dự án vào quy hoạch sử đụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự quy định. Nhà đầu tư đồng thời trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện, bổ sung dự án vào quy hoạch và Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII.

Xây nhà máy trong phạm vi bảo vệ di tích

Chú thích ảnh
Nước ở hạ lưu sông Ba (dự kiến xây dựng thủy điện Đồng Cam) là nguồn chính cấp cho 3 nhà máy nước phục vụ sinh hoạt.

Vị trí dự kiến triển khai các hạng mục dự án thủy điện Đồng Cam được bố trí tương đối gần so với công trình đập thủy nông Đồng Cam (cách thượng lưu đập khoảng 2 km và cách hạ lưu khoảng 1 km). Khu vực này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh (tại Quyết định số 2085/QĐ-BVHTTDL ngày 5/9/2022). Đặc biệt, đập thủy nông Đồng Cam có giá trị cảnh quan, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng độc đáo và tuổi đời đã hơn 100 năm.

Phía nhà đầu tư giới thiệu dự án nhà máy thủy điện Đồng Cam góp phần tạo cảnh quan, góp phần phát huy tiềm năng du lịch và văn hóa Quốc gia, đưa Phú Yên đến với cả nước và thế giới. Nhà máy thủy điện được thiết kế theo kiến trúc kiểu Pháp tôn thêm vẻ đẹp của hệ thống thủy nông Đồng Cam. Đập tràn thủy điện Đồng Cam cùng với đập thủy nông Đồng Cam tạo nên hai bậc nước gần nhau góp phần tăng thêm vẻ đẹp cho thắng cảnh du lịch Đồng Cam.

Tại bờ Nam của sông Ba (bờ phải), trong tương lai sẽ hình thành một khu du lịch sinh thái đặc sắc với điểm nhấn là đập Đồng Cam do người Pháp xây dựng. Dự án cũng bổ sung các địa điểm tham quan, check in, nhà kính trên mặt nước được đỡ bởi các trụ bê tông... Từ đó, du khách dễ dàng ngắm được vẻ đẹp tổng thể của khu vực, vừa ngắm được đập Đồng Cam, vừa ngắm được bãi đá thiêng...

Ngoài dự án nhà máy thủy điện Đồng Cam, Tổng Công ty Cơ điện xây dựng - CTCP còn đề xuất thêm việc nghiên cứu đầu tư dự án phát triển du lịch khu vực hai bên đập Đồng Cam và núi Quy Hậu. Điều này nhằm hiện thực hóa các ý tưởng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa - du lịch của tỉnh Phú Yên.

Qua thẩm định hồ sơ dự án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Yên cho biết: Dự án thủy điện Đồng Cam có nhà máy thủy điện và một phần đường hầm áp lực nằm trong phạm vi khoanh vùng các khu vực bảo vệ danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia đập Đồng Cam (khu vực bảo vệ II). Vậy nên, cần có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Công an tỉnh Phú Yên, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Phú Hòa cũng đề nghị nhà đầu tư đề xuất dự án thủy điện Đồng Cam cần phải làm rõ về việc chồng lấn các hạng mục trong phạm vi bảo vệ đối với di tích.

Tại văn bản số 138/CV-TCT (ngày 09/7/2024), ông Lê Văn An, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cơ điện xây dựng - CTCP khi giải trình những vấn đề liên quan do cơ quan chuyên môn đưa ra đã cho rằng khu vực bảo vệ II của Di tích danh lam thắng cảnh đập Đông Cam là khu vực được phép xây dựng các công trình phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích (theo Luật di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi bổ sung ngày 18/6/2009).
 
Vấn đề này cũng được quy định tại Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư tại khoản 3 điều 3 khi đề nghị cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư. Nhà đầu tư sẽ xin phép Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trong bước sau của dự án khi chuẩn bị hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định.
  
Bài cuối: Thuận - Nghịch

Bài và ảnh: Xuân Triệu (TTXVN)
Đề xuất xây thêm nhà máy thủy điện - Bài cuối: Thuận - Nghịch
Đề xuất xây thêm nhà máy thủy điện - Bài cuối: Thuận - Nghịch

Sông Ba khi chảy về hạ lưu để đổ ra biển còn gọi là sông Đà Rằng và trở thành dòng sông biểu tượng của tỉnh Phú Yên. Hiện nay, trên lưu vực sông Ba đang khai thác 12 nhà máy thủy điện; trong đó, trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy thủy điện gồm: Krông H’Năng, Sông Hinh và Sông Ba Hạ. Việc nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất dự án thủy điện Đồng Cam để bổ sung vào quy hoạch và triển khai thực hiện được đánh giá là mang lại lợi ích. Tuy nhiên vẫn còn những lo ngại liên quan đến điều tiết nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và xâm nhập mặn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN