Theo đó, các hoạt động liên kết cấp tiểu vùng Bắc Trung Bộ, tiểu vùng Trung Trung Bộ và tiểu vùng Nam Trung Bộ đã được chính quyền các địa phương tích cực triển khai thực hiện, đã tổ chức ký kết hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng như: liên kết các tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh; Khánh Hòa – Phú Yên – Ninh Thuận; liên kết với các địa phương ngoài vùng trong đầu tư hạ tầng giao thông như: Bình Định với Gia Lai, Khánh Hòa và Đắc Lắc, Ninh Thuận với Lâm Đồng.
Để triển khai có hiệu quả Quy hoạch vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đề xuất rà soát 6 nhóm cơ chế, chính sách. Theo đó gồm: nhóm chính sách về đầu tư các chương trình, dự án liên kết, phát triển vùng; nhóm chính sách về phát triển các ngành kinh tế biển, cụm liên kết ngành; nhóm chính sách về phát triển doanh nghiệp và thu hút dự án đầu tư quy mô lớn.
Đối với nhóm chính sách, pháp luật về tài chính nhằm huy động, phân bổ và chia sẻ nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chung của vùng; cơ chế, chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng: giao thông, y tế, giáo dục… Cùng đó là nhóm chính sách về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền.
“Đối với các dự án đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng phương án đầu tư kêu gọi vốn đầu tư: đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để tính toán kỹ phương án, phương thức đầu tư, các nguồn vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đồng thời chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc và có đề xuất cụ thể, khả thi”, Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư lưu ý.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, về cơ bản, kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định theo định hướng bền vững hơn; chất lượng cơ sở hạ tầng trong vùng từng bước được cải thiện; thế chế và bộ máy điều phối vùng đã được hoàn thiện; hoàn thành Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh làm nền tảng, định hướng cho thu hút đầu tư trong thời gian tới. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của các địa phương được giữ vững ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số khó khăn về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp quy mô lớn, phát triển các ngành kinh tế biển, xử lý các vấn đề có tính liên vùng như: giao thông kết nối, xử lý môi trường, cứu hộ, cứu nạn; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực cho phát triển, các hoạt động liên kết, điều phối vùng cần được quan tâm hơn nữa.
Với vai trò là Thường trực Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị một số nội dung. Đó là: các bộ, địa phương tiếp tục triển khai 11 nhiệm vụ đã giao trong năm 2023 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; trong đó, tập trung vào các nội dung liên quan đến đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án động lực phát triển vùng; tổ chức và cơ chế hoạt động của các tiểu vùng; hình thức và chính sách phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển; cơ chế điều phối, liên kết trong các lĩnh vực du lịch, môi trường, tìm kiếm cứu nạn; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ Hội đồng Vùng, nghiên cứu phần mềm chuyên dụng, kết nối liên thông.
Về cơ chế, chính sách đặc thù, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương tham gia ý kiến cho từng cơ chế, chính sách cụ thể để tiếp tục hoàn thiện. Về quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng; các bộ, địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến quy hoạch Vùng.
Về các dự án quan trọng, liên kết vùng, đề nghị các địa phương trong Vùng tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã khởi công. Đối với các dự án đang chuẩn bị đầu tư hoặc nghiên cứu triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo báo cáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2023 của Vùng đạt 5,51%, cao hơn bình quân chung cả nước (cả nước tăng 5,05%); trong đó một số địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao như Khánh Hòa (10,35%), Ninh Thuận (9,4%), Phú Yên (9,16%), Bình Thuận (8,1%.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành của vùng đạt hơn 1.570 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,06% GDP cả nước, tỷ trọng này đang có xu hướng tăng qua các năm; GRDP bình quân đầu người đạt 75,62 triệu đồng/người, tăng 8,7% so với năm 2022.
Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế vùng tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tập trung phát triển mạnh kinh tế biển và các ngành công nghiệp ven biển. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2023 đạt 5,51%, cao hơn tốc độ bình quân chung cả nước (3,65%)
Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 vượt 10,7% dự toán trung ương giao và vượt 6,1% dự toán hội đồng nhân dân các địa phương giao, tỷ lệ vượt thu ngân sách cao hơn 5,1 điểm % so với bình quân của cả nước.