Dựa trên những phân tích trên, báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023” của CIEM đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023. Theo đó, kịch bản 1, tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng 6,47%; lạm phát bình quân 4,08%; tăng trưởng xuất khẩu 7,21% và cán cân thương mại là 5,64 tỷ USD. Kịch bản 2 tích cực hơn khi tăng năng suất lao động, tăng trưởng GDP đạt 6,83%; lạm phát 3,69%; tăng trưởng xuất khẩu 8,43% và cán cân thương mại 8,15 tỷ USD.
Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết: Năm 2022, được đánh giá là một năm vô cùng khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung. Bên cạnh sự gia tăng của giá cả các mặt hàng như năng lượng, lương thực, dẫn đến lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia thì diễn biến dịch bệnh, xung đột Nga – Ukraine, cùng với các biện pháp theo hướng cấm vận của nhiều nền kinh tế đã ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi của chuỗi chung ứng…
Bối cảnh khó khăn, đòi hỏi Việt Nam không ngừng theo dõi, cập nhật các đánh giá và kiến nghị, nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo dựng môi trường thuận lợi cho cải cách, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
“Với những nỗ lực đó, bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, cao nhất giai đoạn từ 2011-2022, vượt xa mục tiêu 6,5% Quốc hội đề ra. Kiểm soát lạm phát đạt 3,15%, đạt mục tiêu dưới 4%, kinh tế vĩ mô được giữ vững”, bà Trần Thị Hồng Minh cho biết.
Trình bày Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022, triển vọng năm 2023” của nhóm nghiên cứu CIEM, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 đạt kết quả ấn tượng, trong đó bên cạnh GDP tăng trưởng 8,02% thì hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu cũng được đánh giá tích cực.
Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang có dấu hiệu chững lại từ quý IV/2022. Vấn đề thiếu đơn hàng, dẫn đến thiếu việc làm đã diễn ra tại nhiều doanh nghiệp. Tác động này không chỉ dừng lại ở quý IV/2022 mà có thể kéo dài đến những tháng đầu năm 2023.
Đánh giá của nhóm nghiên cứu CIEM tại báo cáo cũng cho thấy, so với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn so với năm 2022.
Cụ thể, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế; mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát; các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Cùng với đó, tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Cuối cùng, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD...
Ông Dennis Quennet, cố vấn Chương trình cải cách kinh tế vĩ mô, tăng trưởng xanh (GIZ) cho biết, kinh tế Việt Nam trong năm 2022 có kết quả tăng trưởng vô cùng ấn tượng, tuy nhiên đây là tăng trưởng của năm 2022. Bước sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, nhiều đối tác kinh tế của Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
“Theo đó, để tạo đà cho tăng trưởng cho năm 2023, Việt Nam cần đánh giá và nhìn lại những thành quả đạt được, đánh giá lại chất lượng tăng trưởng để có những điều chỉnh phù hợp. Trên cơ sở đó, Báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023 sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có đủ thông tin để hỗ trợ việc đưa ra kế hoạch hoạch định chính sách tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo”, ông Dennis Quennet nhấn mạnh.
Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” của CIEM cũng nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách, cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.