Ngày 10/10 vừa qua, các hãng hàng không Việt Nam đã tái kích hoạt nhiều đường bay nội địa sau khi Bộ Giao thông Vận tải “chốt” mở lại đường bay nội địa, thí điểm đến hết ngày 20/10/2021. Theo đó, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay trên 19 đường bay nội địa được khai thác thí điểm.
Tuy nhiên, trong ngày đầu tiên bay nội địa trở lại, đã có 27 chuyến bay không thể cất cánh. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của cơn bão số 7 và không kịp bán vé, tuy nhiên, theo đánh giá, rào cản lớn nhất chính là yêu cầu về cách ly y tế ở mỗi địa phương một kiểu.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, một số tỉnh, thành phố yêu cầu khách phải cách ly tập trung hoặc phải được chính quyền tỉnh phê duyệt danh sách được về lại địa phương. Song các tỉnh, thành phố lại chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cách ly cũng như xét duyệt danh sách. Vì vậy, một số chuyến bay trong ngày đầu tiên phải hủy.
Để có thể triển khai được các chuyến bay thương mại thường lệ theo kế hoạch, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng kiến nghị, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo thống nhất quy định về điều kiện đối với hành khách đi máy bay, áp dụng chung trên toàn quốc.
Ông Thắng dẫn chứng, hiện vẫn còn một số địa phương yêu cầu phải duyệt trước danh sách khách bay là Thừa Thiên Huế và Thanh Hoá. Một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng đã dỡ bỏ quy định cách ly tập trung từ ngày 11/10, nhưng với khách không cư trú tại địa phương mà phải lưu trú lại, những vấn đề liên quan đến giá khách sạn và vận chuyển lại tương đối phức tạp.
Cùng với đó, Cục trưởng Đinh Việt Thắng kiến nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cảng hàng không cần có quy định rõ ràng về phương thức kiểm soát dịch bệnh đối với hành khách đến nhưng không lưu trú, cụ thể về phương tiện cách ly, hình thức di chuyển.
Một bất cập khác được Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đề cập liên quan đến việc hành khách đi từ vùng xanh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ, nhằm tạo điều kiện cho người dân trở về các thành phố lớn làm việc.
“Hiện Hải Phòng yêu cầu chỉ công nhận xét nghiệm PCR, không chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh. Quảng Ninh thì không công nhận kết quả trong 72 giờ mà chỉ chấp nhận trong 48 giờ”, ông Thắng thông tin.
Ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines đề nghị, cần áp dụng thống nhất trên cả nước đối với quy định của Bộ Giao thông vận tải, đó là hành khách chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong thời gian 6 tháng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ là đủ điều kiện bay. Mỗi địa phương áp dụng một kiểu như hiện nay sẽ rất khó cho hãng trong việc bán vé cũng như theo dõi thông tin.
Theo đại diện Hãng hàng không Vietjet, hiện nay, tỷ lệ tiêm vaccine của các địa phương trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn thấp. Do vậy, hãng đề nghị quy định hành khách từ vùng xanh chỉ cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72h thì được bay để tạo điều kiện cho người dân trở về các thành phố lớn làm việc.
“Nếu quy định hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, mũi 2 tiêm trước ngày bay 14 ngày như hiện nay thì các đường bay ngách và các chuyến bay chiều đến Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ các tỉnh, thành sẽ rất ít khách đáp ứng được quy định này. Ngoài ra, hãng cũng đề nghị phải có một quyết định liên Bộ Giao thông Vận tải - Y tế để thống nhất việc áp dụng các điều kiện như nhau với khách đi máy bay tại tất cả các cảng hàng không trên cả nước”, đại diện Vietjet Air cho hay.
Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không và giảm giá vé máy bay, các hãng hàng không kiến nghị bỏ quy định giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 2.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhận định, các hãng khi mở lại chuyến bay thời điểm này chắc chắn không đạt được doanh thu vì phải thực hiện giãn cách ghế, nhưng quan trọng nhất bây giờ không phải là mục tiêu doanh thu mà là tìm ra các giải pháp thực hiện phòng, chống dịch, mở cửa từng bước để tập dượt các đường bay nội địa và dần dần tiến ra quốc tế.
Theo các chuyên gia hàng không, trong giai đoạn đầu, khi thực hiện hàng loạt các quy trình phòng, chống dịch bằng đường hàng không, hành khách đáp ứng được đủ các điều kiện để đi sẽ không nhiều. Nhưng việc mở lại đường bay là rất tốt cho khôi phục phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Một chuyên gia hàng không cho hay, đại dịch làm thay đổi hành vi của khách hàng cũng như tư duy quản lý, điều hành của ngành hàng không, cách khai thác vận chuyển của các hãng hàng không. Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, các hãng hàng không cùng nhau đưa ra giải pháp để ngành hàng không hoạt động hiệu quả, cạnh tranh sòng phẳng với các hãng hàng không nước ngoài, tạo dấu ấn riêng cho hàng không Việt Nam sau đại dịch.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, các chuyên gia hàng không đề nghị, cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của tất cả các doanh nghiệp hàng không, khi đó, những vấn đề liên quan đến giảm thiểu tiếp xúc sẽ được phát triển rất nhanh và thuận tiện cho hành khách. Đây là giải pháp phòng dịch hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ Giao thông vận tải sẽ có văn bản gửi các địa phương kiến nghị giải quyết bất cập liên quan đến điều kiện khách đi máy bay. Chính phủ đang dự thảo Nghị quyết về thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát với dịch COVID-19, nhiều khả năng sẽ có một tiêu chí thống nhất giữa các địa phương trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam cần sát sao hơn nữa về những vấn đề liên quan đến việc triển khai thí điểm mở lại đường bay nội địa, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh.
Còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi các hãng hàng không ở phía trước. Nhưng các chuyên gia đều cho rằng, thị trường hàng không chuẩn bị đón nhận sự khởi sắc khi Việt Nam đang tăng tốc triển khai tiêm vaccine và các đường bay thường lệ trong nước đã được khởi động trở lại.