Mục tiêu này dựa trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế địa phương tại lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp tỉnh hướng tới đầu tư, phát triển những nông sản phù hợp, hiệu quả.
Ông Lương Minh Quyết, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh sẽ chú trọng cơ cấu lại giống cây trồng, ưu tiên cây lúa ngắn ngày, kháng sâu rầy, chịu hạn, mặn, thích nghi với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, duy trì mô hình liên kết sản xuất lúa đặc sản an toàn và hiệu quả trên vùng tôm-lúa, mô hình lúa thơm – tôm sạch; chuyển dần theo hướng sản xuất an toàn sinh học, lúa hữu cơ, nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, tỉnh sẽ mở rộng mô hình sản xuất rau an toàn ở các địa phương, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất theo quy trình GAP, VietGAP, GlobalGAP, hỗ trợ xây dựng mã vùng cho một số loại cây đặc sản của tỉnh.
Với lĩnh vực chăn nuôi, Sóc Trăng đang hoàn chỉnh quy hoạch chăn nuôi thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng gia tăng giá trị vật nuôi và đưa vào quy hoạch các loài vật nuôi mới như chim yến, dê, vịt biển… gắn phát triển chăn nuôi với bảo vệ môi trường; xây dựng chương trình dự báo giá cả sản phẩm chăn nuôi, hỗ trợ về kỹ thuật cho người dân.
Mặt khác, nhân rộng mô hình nuôi tôm sạch, tôm 2 giai đoạn, tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất giống thủy sản tập trung có chất lượng cao.
Thực hiện dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), tỉnh Sóc Trăng đã triển khai thực hiện được ở 30 xã trong tỉnh, có hơn 37.130 hộ tham gia trên diện tích lúa là gần 44.000 ha. Các hộ trong vùng dự án đã áp dụng sản xuất sạch, canh tác lúa đặc sản, lúa hữu cơ nhờ đó năng xuất sản lượng và giá trị kinh tế cao hơn, thu nhập tăng thêm khoảng 20% cho người trồng lúa; giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới sản xuất an toàn, bền vững.
Đáng lưu ý, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng đã phối hợp với các địa phương tích cực thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân nên việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều.
Năm 2018, Sóc Trăng có trên 60 doanh nghiệp, đại lý thu mua lúa tham gia ký kết với nông dân tại các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh với diện tích gần 72.000 ha, chiếm 20,6% diện tích canh tác cả năm; thực hiện được một số liên kết chuỗi sản xuất với doanh nghiệp đầu vào để tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho 16 hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản với diện tích 524ha. Thực hiện 41 mô hình sản xuất rau, màu an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP có kết nối tiêu thụ với diện tích 21 ha…
Hơn nữa, tỉnh đã triển khai thực hiện được nhiều mô hình có hiệu quả cao như: 4 mô hình sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm lúa đặc sản; xây dựng 6 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ 15ha/mô hình, có 4 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Sản phẩm trái cây lần đầu tiên được xuất sang Hoa Kỳ vào cuối năm 2018 là trái vú sữa tại huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã mở ra hướng đưa các loại trái cây sạch, sản phẩm chế biến từ trái cây của tỉnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Một số sản phẩm chế biến từ cây ăn trái cũng được phát triển nhằm gia tăng giá trị như trà, rượu, mứt làm từ trái cây mãng cầu; rượu, mứt, mật làm từ trái cam xoàn…
Ngoài ra, các mô hình mở mới và cải tạo vườn cây ăn trái cũng được thực hiện để từng bước hình thành và phát triển vùng cây ăn trái đặc sản tập trung. Đồng thời, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo sản phẩm đồng nhất và thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cũng như chuỗi giá trị là mục tiêu mà ngành nông nghiệp Sóc Trăng hướng tới.