Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” tại Thừa Thiên - Huế đã mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, người nông dân đã có nhiều cơ hội đưa hàng nông sản vào các siêu thị để phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập.
Dịp Tết Nguyên đán năm nay, các doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Để tiện cho bà con địa phương tham gia phiên chợ hàng Việt, các đơn vị tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã tổ chức bán hàng vào cả ban ngày và buổi tối để tạo điều kiện cho bà con đến mua sắm và thụ hưởng các chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp. Đối với người tiêu dùng, các phiên chợ hàng Việt cũng giúp họ được tiếp cận với những hàng hóa chất lượng được sản xuất trong nước ngay tại địa phương mình, thay vì phải lên thành phố để đến các siêu thị lớn như BigC, Co.op mart, Thuận Thành… Hơn nữa, nhiều mặt hàng thiết yếu mua tại phiên chợ này có giá rẻ hơn, lại còn được tặng quà khuyến mại.
Chương trình “Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống với chủ đề “Ngày vàng hàng Việt” tại chợ Rạch Ông - quận 8, TP Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, tiểu thương và người tiêu dùng tham gia. Ảnh: Thanh Vũ-TTXVN |
Để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng Tết, ngành Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tiếp tục tổ chức các đợt bán hàng bình ổn giá, bán hàng khuyến mãi với những loại hàng hóa thiết yếu được sản xuất trong nước; tổ chức những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn. Nhiều điểm bán hàng Việt tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, các vùng sâu vùng xa, được được người dân hưởng ứng tham gia chọn lựa với những mặt hàng chất lượng, các hình thức khuyến mãi hấp dẫn, mỗi điểm bán đã thu hút hàng nghìn lượt khách hàng tham gia và đạt doanh số bán hàng rất cao.
Theo thống kê sơ bộ tại 18 doanh nghiệp có thị phần lớn và các chợ trung tâm trên địa bàn, tổng giá trị hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013 đạt trên 390,15 tỷ đồng, với nhiều mặt hàng thiết yếu phong phú, đa dạng. Ngoài ra, vẫn còn có lượng hàng hóa dự trữ khá lớn, phong phú và đa dạng tại các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, hộ tiểu thương tại các chợ trên địa bàn, có giá trị lên tới trên 400 tỷ đồng. Dự báo của các đơn vị chức năng, các mặt hàng thiết yếu đủ đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng dịp Tết nên giá chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, nhu cầu hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, rau củ quả sẽ có khả năng tăng khoảng 10 - 25% vào những ngày giáp Tết...
Cơ hội cho tiêu thụ hàng nông sản
Tại Thừa Thiên - Huế, việc thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt còn tạo cơ hội cho người nông dân đưa hàng nông sản vào hệ thống phân phối. Chương trình liên kết tiêu thụ nông sản giữa các siêu thị đã giúp cho người nông dân chú trọng hơn đến sản xuất các loại rau an toàn, gia cầm sạch, mang lại tiện ích và sự an toàn cho người sử dụng.
Tại vùng rau chuyên canh xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, từ khi liên kết với các siêu thị, diện tích trồng rau xanh gồm xà lách, cải, rau thơm, ngò, hành, diếp cá… đã tăng đáng kể và giúp địa phương trở thành nơi cung cấp rau xanh không thể thiếu ở Huế và các huyện, thị lân cận. Diện tích rau xanh của Quảng Thành hiện ổn định khoảng hơn 60 ha, với hơn 350 lao động trực tiếp trồng rau, cho sản lượng hơn 3.000 tấn/năm. Trung bình mỗi ha cho doanh thu hơn 180 triệu đồng. Nhờ nghề trồng rau nên hiện nay người dân Quảng Thành có thu nhập khá hơn so với trước.
Tại siêu thị Thuận Thành, 100% các mặt hàng thủy sản, thịt lợn, bò, gà, vịt và trứng gia cầm được bày bán đều là hàng được sản xuất, chế biến tại địa phương. Mỗi ngày, siêu thị Thuận Thành nhập và tiêu thụ lượng lớn rau, củ, quả, vừa cung ứng trực tiếp cho người tiêu dùng, vừa chế biến thức ăn phục vụ người dân tại thành phố Huế và phục vụ bếp ăn tập thể của công nhân Công ty Scavi Huế.
Tại siêu thị Co.op Mart Huế cũng có khá nhiều loại rau, củ, quả, hàng thủy sản, thịt gia súc và gia cầm do các hộ nông dân trên địa bàn sản xuất và chế biến bày bán, được người tiêu dùng đón nhận. Các loại hàng tươi sống như cải, xà lách, rau má, rau khoai, thịt gà, thịt vịt, cá chình, cua... được sản xuất tại địa phương chiếm khoảng 35 - 40% trong tổng sản lượng hàng nông sản tại siêu thị này.