Rào cản ruộng đất
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến năm 2015 chỉ có trên 3.600 doanh nghiệp nông nghiệp, chiếm dưới 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động (420.251 DN). Đặc biệt, trên 96% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp ngại đầu tư vào nông nghiệp là rủi ro lớn từ thiên tai, dịch bệnh, lợi nhuận thấp, bấp bênh… và việc tiếp cận đất đai và nguồn vốn khó khăn.
Khó tích tụ ruộng đất đang là rào cản thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ảnh: Thanh Tân- TTXVN |
Ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - Mỹ Bình cho biết: “Doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp phải tự đi thương lượng, đền bù đất đai với nông dân. Sau đó, Nhà nước sẽ thu hồi lại phần đất đó rồi cho doanh nghiệp thuê lại. Như vậy, doanh nghiệp phải mất hai lần tiền mới có đất “sạch” để sản xuất”.
Cùng quan điểm này, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho biết: “Luật Đất đai đang là rào cản thật sự với doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp. Vì đất đai hoàn toàn là sở hữu công, nông dân không có quyền chuyển đổi, bán… Vì vậy, doanh nghiệp rất khó để tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Do vậy, để giải quyết được vấn đề này, phải sửa đổi từ Luật Đất đai”.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) thừa nhận: “Cản trở lớn nhất đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là đất đai. Vì hiện nay, nhiều DN quan tâm, muốn vào đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất. Đất đã được giao hết cho người dân”.
Hiện nay cả nước có gần 60 triệu người làm nông nghiệp nhưng bình quân đất canh tác nông nghiệp là 4.280 m2/hộ, chia theo đầu người là 1.150 m2/người.
Do vậy, theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, sự manh mún, nhỏ lẻ đó khiến việc tích tụ đất để doanh nghiệp đầu tư là vô cùng khó khăn, không thể có đất “sạch” hàng trăm ha. Trong khi, các doanh nghiệp lại mong muốn có tới hàng nghìn, thậm chí hàng vạn nghìn ha để phát triển sản xuất.
Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn... Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp: “Nghị định 210 rất tốt nhưng để tiếp cận được rất khó. Vì nguồn lực tài chính của các địa phương có hạn nên không thực hiện được”, ông Võ Quang Huy, Giám đốc Công ty Huy Long An - Mỹ Bình cho biết.
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp lớn như: TH True milk, Vinamilk, Vingroup, HAGL… đã đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính. Còn những doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận nguồn vốn.
Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn, các doanh nghiệp lớn có thể vay vốn theo các dự án, còn doanh nghiệp nhỏ và vừa thì gần như không vay được vốn ngân hàng do thủ tục phức tạp và phải có tài sản đảm bảo mới được ngân hàng cho vay.
Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, giao thông nông thôn vẫn còn rất yếu kém nên doanh nghiệp phải tự đầu tư hạ tầng, mất thêm nhiều chi phí. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho doanh nghiệp nông nghiệp kém, kỹ sư nông nghiệp ra trường không đáp ứng yêu cầu thực tế, doanh nghiệp nhỏ thì không có nguồn lực để đào tạo lại.
Sửa đổi chính sách để thu hút doanh nghiệpĐể tháo gỡ các nút thắt, thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi một số chính sách về đất đai, khuyến khích tích tụ ruộng đất, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, hướng tháo gỡ trước mắt của Bộ NN&PTNT là phải dành một quy mô đất “sạch” cho doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực chế biến, ưu tiên công nghệ cao theo hướng thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp khi người dân góp đất cùng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng, phát triển hình thức các cánh đồng mẫu lớn cũng là hướng làm khả thi, nhưng còn phải điều chỉnh một số vấn đề để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT sẽ nghiên cứu, tổng hợp các kiến nghị và đề xuất sửa đổi Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, theo hướng quy định cụ thể hỗ trợ, ưu đãi hơn cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, vùng xa, vùng sâu. Xây dựng, đề xuất chính sách thúc đẩy xã hội hóa trong xây dựng hạ tầng nông thôn, hoạt động khoa học, công nghệ; khuyến khích mạnh mẽ doanh nghiệp đầu tư các khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Liên kết với các Viện, Trường trong đầu tư xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học, chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.
Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty Mía đường Lam Sơn, chỉ có doanh nghiệp mới có thể liên kết nông dân với với thị trường, tạo nên nền sản xuất lớn. Do vậy, phải coi doanh nghiệp là “hạt nhân” để hỗ trợ bằng các chính sách như: giảm thuế khi đầu tư vào nông nghiệp, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, xây dựng hạ tầng nông thôn...
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp nông nghiệp, cần có sự tham gia của các Tập đoàn lớn để dẫn dắt thị trường như: Hoàng Anh Gia Lai, Dabaco, VinGroup… để hình thành nên những chuỗi giá trị lớn trong sản xuất. Do vậy, phải có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ, tạo ra những thương hiệu mạnh để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để phát triển DN nông nghiệp, cần xác định đúng vai trò của Nhà nước trong đầu tư vào nông nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ sử dụng nguồn đất và nước. Quy hoạch lại sản xuất nông lâm thủy sản; khuyến khích DN tư nhân tham gia đào tạo nghề cho nông dân. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, việc thúc đẩy DN nông nghiệp phát triển mạnh mẽ không chỉ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nông sản mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.