Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu, thời gian tới, các vụ, cục trực thuộc chủ động phối hợp với tỉnh khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết đánh giá về dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ. Từ đó, làm cơ sở để dự báo và làm những đề xuất, định hướng phát triển cụ thể.
Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục phát huy nội lực kết hợp với những điều kiện thuận lợi của bối cảnh thế giới, nhất là những diễn biến tích cực của hội nhập kinh tế quốc tế để tạo cơ hội phát triển bền vững cho tiềm năng của địa phương. Đối với những kiến nghị của tỉnh ngoài tầm của Bộ Công Thương, đoàn công tác sẽ tổng kết và báo cáo Chính phủ.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, hiện tại, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã chính thức đi vào hoạt động thương mại, trong năm 2018, nhà máy sản xuất được 650 triệu tấn alumin, đạt công suất thiết kế và nộp ngân sách Nhà nước 350 tỷ đồng. Trong quý I/2019, nhà máy sản xuất được 162.000 tấn alumin, doanh thu đạt gần 900 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động với thu nhập bình quân 11 triệu đồng/người/tháng. Còn đối với Nhà máy điện phân nhôm do Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư với mức đầu tư khoảng 690 triệu USD, dự kiến đầu năm 2020 sẽ được hoàn thành và đi vào vận hành có sản phẩm.
Đánh giá về việc phát triển công nghiệp - thương mại và tác động tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đại diện UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương xem xét và bổ sung dự án điện phân nhôm Đắk Nông vào Báo cáo tổng kết các dự án Bô xít Tây Nguyên; đồng thời, tham mưu Chính phủ tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của hai nhà máy Alumin Nhân Cơ và Tân Rai; xem xét nâng công suất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ lên 1,3 triệu tấn/năm để đáp ứng đủ nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy điện phân nhôm với công suất 450.000 tấn/năm…
Ông Lê Diễn, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông cho biết, việc phát triển ngành công nghiệp bô xít trên địa bàn một vùng đất thuần nông như Đắk Nông sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại nơi này. Hiện nay, việc khai thác bô xít trên địa bàn Đắk Nông đang hình thành chuỗi giá trị từ khai thác quặng thô đến chế biến nhôm. Tỉnh kỳ vọng sang năm 2020, Đắk Nông sẽ có một ngành công nghiệp mới. Tỉnh cũng đang tính đến hiệu quả xã hội của ngành công nghiệp alumin mang lại tại Đắk Nông.
Cũng trong ngày 4/4, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đến thăm Nhà máy Alumin Nhân Cơ và Công ty TNHH luyện kim Trần Hồng Quân. Tại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thời điểm hiện tại việc sản xuất kinh doanh của nhà máy là thuận lợi, tuy nhiên cần lưu ý bảo đảm an toàn lao động và việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là thực thi pháp luật trong bảo vệ môi trường khi vận hành Nhà máy Alimin Nhân Cơ.