Mục tiêu được đặt ra là không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng nông thôn, xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, người dân nông thôn có khát vọng khởi nghiệp, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững, hướng đến xây dựng những “vùng quê đáng sống”.
Sẵn sàng xây dựng nông thôn giai đoạn mới
Để hiện thực hóa “giấc mơ” xây dựng “vùng quê đáng sống”, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã đề ra những mục tiêu cụ thể trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2030. Theo đó, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 lũy kế có 3/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 103/184 xã, trong đó có ít nhất 31 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có ít nhất 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 là 104.310 tỷ đồng, bao gồm: Ngân sách Trung ương 1.220 tỷ đồng; ngân sách địa phương 2.420 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác 6.770 tỷ đồng; huy động của người dân 3.800 tỷ đồng; vốn tín dụng 90.100 tỷ đồng. Đối với các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới, tiếp tục huy động các nguồn lực, đề ra phương hướng, mục tiêu cụ thể để xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Huyện Cư M’gar là một trong những điểm sáng của phong trào xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Đắk Lắk, vượt qua điểm xuất phát thấp với thời điểm năm 2010, bình quân đạt 6 tiêu chí/xã, đến ngày 30/8/2019, toàn huyện đã có 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu hết năm 2020 trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2025 hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao tại 15/15 xã của huyện.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) cho biết: Để thực hiện được mục tiêu trên, chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp dựa trên tình hình và nhu cầu đầu tư thực tế của mỗi địa phương trong huyện. Theo đó, tập trung huy động các nguồn lực xây dựng và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách, tranh thủ nguồn vốn từ ngân sách, cộng đồng, doanh nghiệp, cá nhân… để triển khai thực hiện; phát huy vai trò điều hành của hệ thống quản lý từ huyện đến xã, thôn, buôn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới; phát huy tính sáng tạo, sự tham gia đóng góp của nhân dân trên nguyên tắc công khai, dân chủ trong quá trình thực hiện.
Xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là cốt lõi để duy trì bền vững bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Dựa trên thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết vấn đề an sinh xã hội; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã theo chuỗi giá trị…, từ đó tạo nguồn nội lực trong nhân dân để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk: Để đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn trong giai đoạn mới, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cho các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới có cơ sở để xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện. Để sẵn sàng cho xây dựng nông thôn trong giai đoạn mới, chính quyền các địa phương và nhân dân phải cùng vào cuộc, xác định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân cùng nhau thực hiện các tiêu chí đã đề ra.
Bên cạnh đó, để phát triển nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu thì phải giải quyết vấn đề căn cơ nhất là giải bài toán kinh tế cho người dân. Khi xác định người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới thì kinh tế người dân phải phát triển, bền vững thì mới hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, toàn bộ hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn trong giai đoạn mới. Mục tiêu đề ra là không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, lan tỏa các giá trị bền vững, tạo sự thay đổi mạnh mẽ từ nội lực bên trong đến hình thức bên ngoài của những “vùng quê đáng sống”.
Hướng đến xây dựng “vùng quê đáng sống”
Bà H Nhê Buôn Yă, buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, xã Hòa Xuân từ xuất phát điểm thấp đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2016, hiện chính quyền và nhân dân tiếp tục cùng nhau xây dựng nông thôn giai đoạn mới. Năm 2019, chính quyền đứng ra huy động nhân dân tổ chức trồng và chăm sóc đường hoa dọc các tuyến đường giao thông nông thôn trong xã. Mọi người dân đều nhiệt tình tham gia và cùng hướng đến mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xây dựng xã Hòa Xuân thành một “vùng quê đáng sống” với sự ổn định về đời sống kinh tế và môi trường, không gian sống xanh - sạch - đẹp.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hòa Xuân cho biết trong xây dựng nông thôn mới trước năm 2016, chính quyền và nhân dân xã Hòa Xuân tập trung vào giải quyết “bài toán” kinh tế cho nhân dân. Trong giai đoạn mới, chính quyền và nhân dân xã Hòa Xuân tập trung duy trì tốt kinh tế nông thôn, đồng thời xây dựng “vùng quê đáng sống” với hệ thống đường làng, ngõ xóm đều được trồng hoa, cây xanh góp phần tạo môi trường xanh - sạch - đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân trong xã.
Xã Ea Ô, huyện Ea Kar (Đắk Lắk), là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh Đắk Lắk, từ một xã vùng III đầy khó khăn đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2016. Hiện chính quyền cùng nhân dân địa phương tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”, phấn đấu hết năm 2020 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trở thành đô thị trung tâm của huyện Ea Kar.
Ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ô cho biết: Theo mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, xã Ea Ô sẽ xây dựng vùng nông thôn có kết cấu hạ tầng hiện đại theo quy hoạch; cơ cấu kinh tế và hình thức sản xuất hợp lý; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được giữ vững; an ninh trật tự được đảm bảo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; hệ thống chính trị vững mạnh; đưa vùng nông thôn phát triển nhanh, bền vững trở thành “vùng quê đáng sống”.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị, để tiếp tục thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk xác định: Lấy “nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chiến lược; nông thôn mới là căn bản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là then chốt; người nông dân là chủ thể”. Các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong xây dựng nông thôn mới để hướng tới phát triển nông thôn toàn diện và bền vững, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn khá giả, tiệm cận với khu vực đô thị, trong đó tập trung nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn.
Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển du lịch nông thôn làm nền tảng cơ bản gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ nông thôn và phù hợp với quá trình đô thị hóa; chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống; đẩy mạnh công tác giữ gìn, bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, đưa vùng nông thôn trở thành những “vùng quê đáng sống”.
Để hoàn thành thắng lợi những mục tiêu đề ra, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị với Trung ương: Tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho địa phương, để địa phương có điều kiện đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ việc phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giảm nghèo đa chiều… góp phần cho người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, rút ngắn khoảng cách giữa các địa bàn, phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Giai đoạn 2021-2025, Đắk Lắk đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm tham mưu ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp điều kiện thực tế với từng địa phương, ban hành các cơ chế, chính sách theo hướng ưu tiên nguồn vốn cho các tỉnh khó khăn, miền núi để giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền. Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu tiên để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã, tập trung ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số; sớm có định hướng về công tác tổ chức bộ máy giúp việc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 để địa phương có cơ sở củng cố và kiện toàn tổ chức thực hiện.
Trong giai đoạn 2026–2030, tỉnh Đắk Lắk đề ra mục tiêu lũy kế có 5/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 119/184 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được những mục tiêu trên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Đảng và chính quyền các cấp, sự hỗ trợ từ Trung ương, cần phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.