Đắk Nông chú trọng an toàn trong khai thác, chế biến khoáng sản

Các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang tập trung chấn chỉnh, nâng cao công tác đảm bảo an toàn lao động, nhất là tại các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản. Đây cũng là một nội dung trọng tâm trong thực hiện tháng an toàn - vệ sinh lao động tỉnh Đắk Nông năm 2018 (tháng 5/2018).

Vận hành máy móc tại phân xưởng nguyên liệu, Công ty Nhôm Đắk Nông, doanh nghiệp khai thác khoáng sản có quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Nông hiện nay.

Công ty Nhôm Đắk Nông (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam) là đơn vị khai thác bô xít, chế biến alumin tại Khu Công nghiệp Nhân Cơ, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông. Đây cũng là doanh nghiệp khai thác khoáng sản với quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Nông hiện nay. Tổng sản lượng alumin thành phẩm trong năm 2018 dự kiến là 600.000 tấn.

Nhiều công đoạn được tự động hóa, giúp nâng cao năng suất và giảm thiểu tai nạn lao động.

Theo lãnh đạo Công ty, sau 1 năm đi vào vận hành chính thức, hiện dây chuyền chế biến alumin của Nhà máy đang hoạt động với khoảng 90% công suất. Bên cạnh đảm bảo kế hoạch sản xuất, đơn vị luôn chú trọng công tác an toàn lao động.

Để cho ra sản phẩm alumin thành phẩm từ quặng bô xít phải trải qua hơn 10 công đoạn khác nhau; trong đó có nhiều công đoạn liên quan đến an toàn điện, đến việc sử dụng nhiều loại hóa chất, và các loại máy móc phức tạp, hiện đại, đòi hỏi phải được vận hành đúng kỹ thuật… Do đó, công tác tập huấn về an toàn lao động cũng như khâu giám sát luôn được chú trọng hàng đầu.

Ông Võ Văn Thắng, Trưởng ca Phân xưởng nguyên liệu, Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, các công nhân khi vào vị trí vận hành thì được đào tạo qua ba bước an toàn, từ nhà máy, phân xưởng và tại vị trí vận hành. Công ty cũng quy định mỗi công nhân không vận hành quá 48 tiếng mỗi tuần nên đảm bảo sức khỏe và vấn đề an toàn lao động.

Hàng năm Công ty dừng một số ngày để bảo trì, bảo dưỡng lớn, còn các phân xưởng thì thì bảo dưỡng thiết bị theo quy trình đã ban hành của nhà máy.

Theo dõi quy trình vận hành tại một phân xưởng của Công ty Nhôm Đắk Nông.

Ông Mai Chiến Thắng, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho biết, dây chuyền công nghệ của Công ty rất mới mẻ, phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến con người cũng như thiết bị máy móc. Các quản đốc, trưởng ca phải chú ý cảnh báo nguy cơ, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên để người lao động luôn ý thức được việc mình đang làm. Đặc biệt là những công việc tiếp xúc hóa chất, công tác an toàn điện, sửa chữa thiết bị nặng, yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông, thời gian gần đây việc khai thác, chế biến các loại khoáng sản như bô xít, cát, đá, vật liệu xây dựng… tại Đắk Nông đã được các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư ngày càng bài bản, quy mô.

Kiểm tra máy móc đang trong quá trình vận hành để xử lý kịp thời hơn những sự cố phát sinh.

Nhiều công đoạn được sử dụng máy móc nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo tốt hơn vấn đề an toàn lao động. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá, vật liệu xây dựng cũng chú trọng nhiều hơn vấn đề an toàn. Nhất là trong các hoạt động liên quan đến việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.

Tháng 4 vừa qua, đoàn liên ngành của tỉnh Đắk Nông do hai đơn vị là Sở Công Thương và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đồng chủ trì đã tiến hành đợt tổng kiểm tra việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong hoạt động nổ mìn phá đá trên địa bàn tỉnh. Hiện, Đắk Nông có hàng chục mỏ đá chuyên khai thác, chế biến đá làm vật liệu xây dựng.

Ngành chức năng đã yêu cầu các đơn vị ký cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp luật trong công tác nổ mìn, như tuân thủ chặt chẽ định lượng được cấp phép; vấn đề khoảng cách an toàn tối thiểu, cảnh giới an toàn cho người dân khi tiến hành nổ mìn; cũng như một số vấn đề an toàn liên quan…

Dây chuyển khai thác, chế biến đá xây dựng được tự động hóa của một doanh nghiệp khai thác đá tại Đắk Nông.

Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, nhất là trong bối cảnh thời gian qua đã có nhiều vụ tai nạn liên quan đến nổ mìn phá đá dẫn đến chết người, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản của người dân sống xung quanh.
 

Ông Huỳnh Ngọc Anh, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đắk Nông nhấn mạnh công tác đảm bảo an toàn lao động tại các doanh nghiệp nói chung và các đơn vị, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản nói riêng là vấn đề đơn vị luôn tập trung theo dõi, đôn đốc.

Bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề này, Sở cũng phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn về an toàn lao động và có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ những người lao động không may gặp tai nạn.

Hiện nay, ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản được kỳ vọng sẽ là một động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Đắk Nông phát triển. Các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản đang đóng góp một tỷ trọng khá lớn trong tổng nguồn thu của tỉnh Đắk Nông.

Việc đảm bảo các vấn đề liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động là một nội dung quan trọng, cần được thực hiện xuyên suốt, nhằm đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và quyền lợi chính đáng của mỗi người lao động.

Hưng Thịnh - Ngọc Minh (TTXVN)
Bảo đảm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản Tây Núi Pháo
Bảo đảm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản Tây Núi Pháo

Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác chế biến mỏ thiếc - Bismuts Tây Núi Pháo thuộc xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên do Công ty cổ phần Kim Sơn làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2011. Sau một thời gian đi vào hoạt động, từ cuối năm 2015 đến năm 2016, dây chuyền tuyển quặng công suất 45.000 tấn/năm của Công ty dừng hoạt động để nâng cấp thiết bị và mới hoạt động trở lại để hiệu chỉnh thiết bị vào đầu năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN