Đài Sputnik: Có cơ sở để nhận định về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam

Đài Sputnik cho rằng mới đây, các định chế tài chính và tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đưa ra những nhận định về tăng trưởng kinh tế Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Chú thích ảnh
Công nhân làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương). Ảnh tư liệu: Chí Tưởng/TTXVN

Từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Moody’s, Fitch, Standard & Poor's (S&P), đến các ngân hàng như United Overseas Bank (UOB) của Singapore hay Standard Chartered của Anh đều đánh giá lạc quan về triển trọng kinh tế của Việt Nam trong khi bức tranh toàn cầu đầy ảm đạm. 

Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á của IMF công bố ngày 11/10 dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của Việt Nam năm 2022 đạt 7%. Đáng chú ý, trong khi IMF cho rằng có đến 1/3 nền kinh tế trên thế giới sẽ suy giảm thì mức tăng trưởng này có thể coi là kỳ tích.

WB dù vẫn thận trọng và đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ 7,5% xuống 7,2% trong năm 2022, song cũng nhấn mạnh rằng, đây vẫn là mức cao và Việt Nam thực sự trở thành điểm sáng cho bức tranh ảm đạm của xu hướng suy thoái toàn cầu. Theo WB, Việt Nam tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ và hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn vững chắc. Đó là cơ sở để WB tin rằng Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng trên 7% trong năm nay.

Trong khi đó, ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam từ 6,7% lên 7,5% và có thể đạt tăng trưởng từ 7%-7,2% vào năm 2023. Ngân hàng UOB cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng cả năm 2022 của Việt Nam lên 8,2%, cao hơn đáng kể so với mức dự báo 7% được đưa ra trước đó nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và dịch vụ kể từ khi Việt Nam mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19. 

Lạc quan hơn cả UOB, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s thậm chí dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,5% trong năm 2022. Hồi tháng 9, Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên Ba2. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody's nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.

Việc Moody's nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 phản ánh đánh giá của tổ chức này về sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài được ghi nhận là tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng.

Thọ Anh  (TTXVN)
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5%
ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5%

Trong công bố báo cáo kinh tế sáng 21/9/2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023 như được công bố hồi tháng 4/2022. Đối với khu vực châu Á đang phát triển, ADB giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 xuống còn 4,3%, thấp hơn so với mức dự báo 5,2% đưa ra hồi tháng 4/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN