Trao đổi với phóng viên báo Tin tức bên hành lang Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trương Minh Hoàng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho biết, giá điện chỉ là một trong nhiều nội dung mà người dân bức xúc và khi Quốc hội lấy phiếu ý kiến thì đại biểu Quốc hội có quyền nêu vấn đề bức xúc hơn cần chất vấn.
"Với bức xúc của người dân về giá điện hiện nay, Chính phủ đang thanh tra. Tôi tin sớm hay muộn sẽ có giải trình rõ về nội dung này. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định trước Quốc hội là hiện chưa phát hiện dấu hiệu gì sai phạm. Cần có thêm thời gian để Thanh tra Chính phủ làm việc. Nếu vẫn thấy chưa thỏa mãn thì có thể yêu cầu Kiểm toán Nhà nước vào cuộc", đại biểu Trương Minh Hoàng cho hay.
Chia sẻ về những vấn đề mà mình quan tâm trong phiên chất vấn sắp tới, đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết, vi phạm quy hoạch trong xây dựng là vấn đề rất bức xúc, thậm chí bức xúc hơn nhiều so với vấn đề giá điện. Nếu không có chất vấn, không có sự ngăn chặn kịp thời thì tình trạng quy hoạch theo nhiệm kì sẽ lặp đi lặp lại, người này quy hoạch, người kia phá vỡ, nhà chồng nhà, đất cho cây xanh, vui chơi giải trí cũng lại biến thành nhà. Vấn đề này rất đáng quan tâm.
"Hay như vấn đề giao thông, Quốc hội đã chất vấn rồi nhưng hiện nay rất nhiều dự án chậm tiến độ, tình trạng tai nạn giao thông cũng rất bức xúc, gây chết người ngay. Có lẽ các đại biểu cũng nhìn nhận vậy để thấy mức độ ảnh hưởng của vấn đề này đến xã hội, cần đưa vào chất vấn ngay", Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau nói thêm.
Chung quan điểm với đại biểu Trương Minh Hoàng, đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng kỳ họp thứ 7 này, Quốc hội đã chọn 4 Bộ trưởng liên quan đến những vấn đề cấp thiết hơn với sự thận trọng.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Bình cho biết, bản thân mình không chọn vấn đề của ngành điện để chất vấn mà chọn các vấn đề nóng khác bao gồm: an ninh trật tự, an toàn giao thông, tệ nạn ma túy…
"Chương trình chất vấn đã được đưa ra lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội rồi. Các vấn đề của ngành công thương thì các kỳ họp trước đã chất vấn. Hơn nữa, việc tăng giá điện mới cách đây hơn 2 tháng. Chính phủ đã chỉ đạo giao thanh tra và kiểm toán giá điện. Như vậy, ngay thời điểm này, chưa có thông tin đầy đủ nào để khẳng định việc tăng như thế, lộ trình và mức giá là phù hợp hay không. Cần có thêm thời gian để có thông tin đầy đủ, từ đó mới xác định được trách nhiệm", đại biểu Phan Thái Bình nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu, kỳ họp này có thể chưa chất vấn về giá điện nhưng sau khi có kết quả thanh tra rõ ràng thì vẫn có thể chất vấn ở các kì họp sau.
"Giờ cần phải đợi kết luận cuối cùng của thanh tra", đại biểu Phan Thái Bình nói.
Trong trường hợp vẫn có đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi về giá điện trong phiên chất vấn sắp tới, tức là không nằm trong nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, đại biểu Phan Thái Bình cho biết, theo quy định Bộ trưởng sẽ trả lời bằng văn bản.
Chia sẻ góc nhìn khác, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) cho biết, mặc dù 4 lĩnh vực được chất vấn lần này không có nội dung giá điện của Bộ Công Thương nhưng trong trường hợp nếu có nhiều đại biểu đặt câu hỏi về nội dung đó thì Bộ trưởng Bộ Công Thương vẫn phải trả lời, thậm chí Phó Thủ tướng cũng có thể được mời trả lời bổ sung.
Trước đó, cuối phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại hội trường Quốc hội chiều ngày 30/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết: Chính phủ đã chỉ đạo EVN tiếp thu ý kiến chuyên gia và người dân, sớm trình Chính phủ sửa đổi biểu giá điện bậc thang hiện hành sao cho hợp lý, theo hướng vừa hỗ trợ người thu nhập thấp, vừa đảm bảo nhu cầu đời sống tăng cao hiện nay với số hộ sử dụng trên 200 kWh điện/tháng ngày càng tăng lên.
"Thanh tra Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm nếu có của EVN và các cơ quan liên quan. Chúng tôi cũng đề xuất Kiểm toán Nhà nước sớm nghiên cứu để đưa vào kế hoạch năm 2019 chuyên đề kiểm toán về giá điện của EVN", Phó Thủ tướng đề nghị.