Đà Nẵng duy trì chợ truyền thống, khoanh vùng hẹp khi có ca mắc COVID-19

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn yêu cầu Ban Quản lý các chợ cần quản lý chặt chẽ danh sách tiểu thương, bắt buộc thực hiện nghiêm quy định 5K. Khi xuất hiện ca nhiễm, Ban Quản lý chợ và các đơn vị liên quan không nên đóng cửa chợ, cần tổ chức cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch trong phạm vi hẹp nhất...

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại các chợ Non Nước, chợ Cẩm Lệ, chợ Cồn, sáng 17/1, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn đánh giá cao việc đảm bảo quy định phòng, chống dịch như: bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn, có vách ngăn tại các quầy hàng, các tiểu thương đều nghiêm túc chấp hành việc đeo kính chống giọt bắn… 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại chợ Non Nước. 

Tại buổi kiểm tra, ông Sơn yêu cầu Ban Quản lý các chợ cần rà soát, quản lý chặt chẽ danh sách tiểu thương, bắt buộc thực hiện nghiêm quy định 5K. Khi xuất hiện ca nhiễm, Ban Quản lý chợ và các đơn vị liên quan không nên đóng cửa chợ, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, mà cần tổ chức cách ly kịp thời, khoanh vùng dịch trong phạm vi hẹp nhất.

“Nếu trong trường hợp số ca mắc COVID-19 tăng cao, buộc phải đóng cửa chợ thì phải nghiên cứu, đề xuất phương án bố trí địa điểm tạm thời thay thế nhằm đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn chỉ đạo.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng yêu cầu Sở Công Thương chủ động tháo gỡ khó khăn cho các hộ sản xuất, kinh doanh; thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, nắm bắt tình hình sản xuất, phân phối, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân.

Ông Trần Phước Sơn cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường, Ban An toàn thực phẩm tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt giá cả thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, không để xảy ra tình trạng tiểu thương lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá, bán hàng kém chất lượng.

Chú thích ảnh
 Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Phước Sơn kiểm tra tình hình phòng, chống dịch tại chợ Cẩm Lệ. 

Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương cho hay, trong thời gian trước Tết Nguyên đán người dân có nhu cầu mua sắm cao, do đó, phải duy trì, vận hành các chợ truyền thống.

Mặc dù, tình hình dịch phức tạp, nhưng quan điểm của ngành công thương phải đảm bảo tối đa công tác phòng chống dịch, tổ chức vận động bà con tiểu thương xét nghiệm 3 ngày/lần để phát hiện sớm F0, khoanh vùng hẹp, cách ly F1, những người âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ vẫn được bán hàng bình thường.

Đề cập đến việc cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán, Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương thông tin, ngay từ tháng 11/2021, Sở đã vận động các doanh nghiệp phân phối hàng hóa lớn, trung tâm thương mại, siêu thị, tiểu thương tập trung dự trữ hàng đảm bảo phục vụ cho dịp tết.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng tổ chức các điểm bán hàng bình ổn cho người dân, trải dài trên địa bàn các quận huyện, đưa hàng đến vùng sâu, vùng xa giúp cho người dân tiếp cận với mọi loại hàng hóa, mua hàng với mức giá ổn định.

Tin, ảnh: Võ Văn Dũng (TTXVN)
Gần 80% chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đã khôi phục hoạt động
Gần 80% chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh đã khôi phục hoạt động

Đã có gần 80% chợ truyền thống tại TP Hồ Chí Minh khôi phục hoạt động. Các chợ chủ yếu vẫn tập trung kinh doanh các ngành hàng lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân trên địa bàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN