Trước những thắc mắc của dư luận về cây trồng BĐG. GS.TS Lê Huy Hàm (ảnh), Viện trưởng Viện di truyền nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trả lời báo chí về vấn đề này.Thưa GS. TS. Lê Huy Hàm, ở Việt Nam, các loại cây trồng BĐG đã được nghiên cứu, đưa vào sản xuất như thế nào?Cây trồng BĐG đã qua nhiều lần khảo nghiệm chặt chẽ tại các vùng miền trên cả nước, các giống ngô BĐG cho thấy tính ưu việt hơn hẳn về năng suất so với các giống ngô thường. Đặc biệt, kết quả khảo nghiệm trên diện hẹp và diện rộng cho thấy các giống ngô không hề gây ảnh hưởng tới môi trường.
Thực tế, công nghệ BĐG không hề rẻ để có thể sử dụng tràn lan như nhiều người lo ngại. Hơn thế nữa, ý thức được các mối nguy hại có thể xảy ra đối với các sản phẩm BĐG, các nhà khoa học ngay từ ban đầu đã đề ra nhiều biện pháp kỹ thuật trong canh tác để bảo đảm hiệu quả cũng như hạn chế các biến đổi khó lường.
Trên thế giới, công nghệ BĐG đã được nghiên cứu trong nhiều năm. Các nước ở châu Mỹ đã sử dụng cây trồng BĐG từ năm 1996 và chưa có ghi nhận nào gây hại từ cây trồng BĐG. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 11 nước đã tạo ra cây trồng BĐG. Những năm gần đây, Việt Nam cũng có hành lang pháp lý, du nhập công nghệ thực phẩm BĐG từ nước ngoài; xây dựng cơ sở văn bản cho 7 giống ngô BĐG, trong thời gian tới, sẽ đưa vào sản xuất. Hệ thống văn bản liên quan đã tương đối hoàn chỉnh (gồm 14 văn bản, trong đó có 3 luật và 11 văn bản dưới luật). Nhờ nỗ lực của nhiều bộ ngành ta đã hoàn chỉnh cơ chế.
Ngoài ra, chúng ta áp dụng cơ chế an toàn hết sức đặc biệt, các đơn vị cung cấp giống phải cung cấp giấy chứng nhận đã có 5 quốc gia phát triển đã dùng cây trồng BĐG làm thực phẩm hay làm thức ăn chăn nuôi.
Vừa qua có thông tin cho rằng, chuột ăn phải thực phẩm BĐG bị ung thư và chết sớm. Thực hư của vấn đề này như thế nào, thưa ông? Năm 2013, có nhà khoa học Pháp đưa thông tin chuột ăn ngô BĐG bị ung thư. Sau đó, nhiều cơ sở khoa học đã liên hệ với tác giả này để làm rõ vấn đề, nhưng không được cung cấp thông tin. Sau đó, nhiều nhà khoa học đã không công nhận kết quả này, đồng thời bày tỏ thái độ phản đối với những thông tin này. Liên minh châu Âu cũng kết luận bài báo này không có căn cứ.
Việc người dân lo lắng là đúng. Nếu chúng ta đưa công nghệ không tốt vào sản xuất thì chắc chắn sẽ bị phản đối và thất bại. Nhưng trên thực tế, sau khi Việt Nam bắt đầu tiếp cận cây trồng BĐG, nhiều địa phương đề nghị được cung cấp ngay nguồn giống để trồng. Người nông dân cũng đón nhận công nghệ BĐG.
Nhưng, trong thời gian qua, người tiêu dùng vẫn còn e ngại. Nguyên nhân là do việc tuyên truyền còn nhiều ý kiến trái chiều.
Để khắc phục được tình trạng này, chúng ta phải có chiến lược tuyên truyền tốt hơn, để đưa thông tin chính xác đến với người tiêu dùng, không để họ hoang mang.
Hữu Vinh