Các lực lượng chức năng và người dân khẩn trương gia cố đê bao tuyến đê Diên Hồng, huyện Quảng Điền. |
Trong đó, ngập nặng nhất là huyện Phong Điền với gần 1.300 ha; còn lại là diện tích lúa của các huyện Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền và thị xã Hương Trà.
Theo khung lịch lịch thời vụ trước đây, dự kiến đến ngày 5/2, toàn tỉnh sẽ kết thúc việc gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2017, nhưng do ảnh hưởng của đợt mưa cuối tháng 1/2017 và kết hợp với triều cường, khung lịch thời vụ nay phải kéo dài đến ngày 10/2. Vì vậy, cùng với triển khai các biện pháp tiêu úng để cố gắng đưa các diện tích đất lúa vụ Đông Xuân vào gieo cấy, ngành nông nghiệp chủ động điều chỉnh về số lượng các loại giống lúa, nhất là các loại giống lúa ngắn ngày nhằm đảm bảo hiệu quả cho vụ sản xuất, để không ảnh hưởng vụ Hè Thu kế tiếp.
Tại huyện Phong Điền, các lực lượng tập trung gia cố tuyến đê bao tại xã Phong Chương có nguy cơ bị vỡ sẽ làm ngập nhiều héc ta lúa đang phát triển tốt. Sau khi đi kiểm tra thực tế tại đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá cao tinh thần chủ động của các địa phương trong việc huy động lực lượng và phương tiện tiến hành gia cố các đoạn đê bao bị sạt lở và có nguy cơ bị ngập do nước triều cường lên để đê bao không bị vỡ, bảo vệ các diện tích lúa đã gieo sạ.
Tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là Chi cục Thủy lợi tỉnh cần theo dõi các thông tin về thời tiết, triều cường để thông báo kịp thời cho các địa phương, đồng thời tăng cường kiểm tra các đoạn đê bao xung yếu để tham mưu UBND tỉnh các biện pháp xử lý trong việc tiêu úng và gia cố nhằm bảo vệ tối đa các diện tích lúa vụ Đông Xuân 2017 đã gieo cấy tại các địa phương vùng đầm phá. Trước mắt, để đảm bảo lịch thời vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị bên cạnh việc tiếp tục gia cố các đoạn đê bao xung yếu, huyện Phong điền cần chủ động tìm các loại giống lúa ngắn ngày để cung cấp cho bà con nông dân gieo xạ lại; nơi nào thiếu, tỉnh sẽ có hỗ trợ về kinh phí mua giống lúa.
Trong khi đó, tại huyện Quảng Điền, ngay từ sáng 3/2, cũng có gần 150 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội, lực lượng ứng trực và cán bộ các cơ quan từ huyện đến xã, thị trấn được huy động dùng bao cát, xe múc, xe ủi gia cố lại những đoạn đê xung yếu có khả năng nứt vỡ, giúp các HTX Đông Vinh, HTX Sịa số 1, HTX An Xuân, HTX Phú Hòa gieo cấy hết 250 ha diện tích lúa còn lại. Nguyên nhân các địa phương này chưa gieo cấy hết diện tích là do hệ thống đê bao tại các tuyến trọng điểm này bị hư hỏng nặng, nhiều tuyến đê bị vỡ, nứt, tràn khiến nhiều điểm bị ngập sâu chưa thể tiến hành gieo sạ.
Ông Trương Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, ở một vài địa phương khác nơi có tuyến đê Diên Hồng đi qua do mưa to, nước dâng cao, tuyến đê này lại trong tình trạng báo động. Năm 2015, tuyến đê này được đầu tư làm kè, cứng hóa và nâng cấp dọc 1 tuyến, tuyến còn lại chưa được đầu tư.
Trong năm 2015 và 2016, tuyến đê này đã bị nứt vỡ 3 lần, ảnh hưởng rất lớn mùa màng của người dân. UBND huyện phải thường xuyên huy động lực lượng của các HTX trong vùng gia cố từ nguồn ngân sách địa phương; và huy động lực lượng tại chỗ đắp đất, đá vào những chỗ sụt lún… Tuy nhiên, đây chỉ là việc làm mang tính tạm thời, không đảm bảo an toàn nhất là khi thời tiết xấu, rất cần được hỗ trợ từ phía nhà nước để đầu tư khắc phục triệt để hơn.
Trước đó, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và đới gió Đông nên từ ngày 22 - 26/1/2017 trên địa bàn huyện Quảng Điền có mưa lớn kết hợp với triều cường khiến nhiều diện tích bị ngập úng trên diện rộng. Tuyến đê Diên Hồng bị vỡ đê bao bờ vùng dài 25m, sâu 2m (thuộc Trạm bơm tiêu Kênh Trộ, HTX số 1 Sịa, với diện tích khoảng120 ha), khiến 1.200 ha lúa bị ngập, trong đó có 345 ha lúa bị chết do ngập úng phải gieo sạ lại.
Dự kiến đến ngày 10/2, toàn huyện Quảng Điền sẽ tiến hành gieo cấy xong khoảng 4.250 ha lúa Đông Xuân...