Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc chạy đua thị phần
Theo báo cáo thị trường M&A Việt Nam năm 2016 của StoxPlus, thị trường Việt Nam ghi nhận tổng cộng 341 thương vụ M&A đã hoàn thành với tổng giá trị ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 23,1% về tổng số giao dịch và 9,7% về tổng giá trị thị trường của năm 2014. Đáng chú ý, các nhà đầu tư và doanh nghiệp tham gia M&A vẫn chủ yếu đến từ các nước Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Có thể thấy cuối năm 2015, Singha Asia Holding Pte Ltd (“Singha”) – hãng bia đầu tiên lớn nhất của Thái Lan đã công bố việc ký kết thỏa thuận hợp tác với Masan Group để đầu tư 1,1 tỷ USD, trở thành cổ động nắm giữ 25% cổ phần trong mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống, đồng thời nắm giữ trực tiếp 33,3% cổ phần mảng kinh doanh bia của Masan Group. Thỏa thuận trên là giao dịch M&A lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, cho phép hai đối tác bắt tay nhau chiếm lĩnh hơn 250 triệu người tiêu dùng trong khu vực “Inland Asean” (bao gồm cả Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuachia và Lào), với danh mục sản phẩm thực phẩm và đồ uống cùng hệ thống phân phối của cả hai bên.
Thị trường bán lẻ luôn dẫn đầu các thương vụ và giá trị M&A trong các lĩnh vực M&A tại Việt Nam. Ảnh Hải Yên
|
Giao dịch đã hoàn tất trong tháng 1/2016, sau khi thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Hiện Singha đã chuyển khoản vốn đầu tư 650 triệu USD, bao gồm 50 triệu USD để sở hữu 33,3% cổ phần Msan Brewery và 600 triệu USD để sở hữu 14,3% cổ phần Masan Consumer, mảng kinh doanh thực phẩm và đồ uống không cồn của Masan.
Cùng với đó, thương vụ ồn ào nhất trên thị trường thời gian qua là Central Group và Nguyễn Kim thâu tóm thành công hệ thống Big C Việt Nam, với tổng giá trị giao dịch lên tới 920 triệu Euro (1,05 tỷ USD) vào tháng 4/2016. Trước đó, tháng 1/2015 Central Group đã chi khoảng 110 triệu USD mua 49% cổ phần nhà bán lẻ điện máy Nguyễn Kim.
Nhưng để đi tìm dòng vốn đầu tư dài hạn, các nhiều chuyên gia tại StoxPlus nhận định, khi FTA Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực, thuế nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ Hàn Quốc sẽ giảm từ 5% xuống 0%. Nếu tính chi phí nhân công rẻ và thuế xuất khẩu sản phẩm nhựa 0%, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể tiết kiệm hàng trăm triệu USD khi kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nhựa sang Hàn Quốc đạt tầm 1,2 tỷ USD năm 2015. Có thể nói, đây chính là cơ hội và động lực khiến các nhà đầu tư Hàn quốc thâu tóm các công ty Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, thị trường bao bì nhựa mềm đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc nhắm tới vì đây được xem là thị trường rất tiềm năng ở Việt Nam.
Mặc dù vậy, nhìn vào cách đi của các nhà đầu tư Nhật Bản, thì đây vẫn được coi là dòng vốn bền vững trên thị trường M&A Việt Nam. Vì thế, đi sau nhà đầu tư Thái Lan thì nhà đầu tư Nhật Bản được xếp thứ 2. Có thể thấy mới đây, ANA Holdings của Nhật Bản đã chi 13 tỷ yên (tương đương 109 triệu USD) để mua 8,8% cổ phần của Vietnam Airline và trở thành cổ đông nước ngoài đầu tiên của hãng hàng không quốc gia Việt Nam này.
Bên cạnh cuộc đua M&A của các nhà đầu tư trên, thời gian gần đây các chuyên gia phân tích M&A cho biết miếng bánh thị phần đang dần nghiên về các nhà đầu tư khác đến từ Asean như Philippines, Singapore, Indonesia…
Xu hướng chính của M&A
Đi đầu các thương vụ M&A trong 2 năm qua, ngành bán lẻ và tiêu dùng chiếm tỷ lệ cao nhất với 38,46% tổng giá trị. Trong đó, quy mô của 2 thương vụ M&A từ Thái Lan đã chiếm 24,8% giá trị M&A năm 2015 và nửa đầu năm 2016.
Tiếp đến lã lĩnh vực bất động sản, nguyên nhân là do sự phục hồi từ cuối năm 2014 đã kéo thị trường bất động sản năm 2015 tiếp tục khởi sắc với những tín hiệu tích cực của thị trường. Theo nhận định của các chuyên gia M&A, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vẫn dẫn đầu lĩnh vực này. Có thể thấy, thương vụ giữa Keppel Land và chủ đầu tư Dự án Empire City tại quận 2, thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), trong đó Keppel đã nhận chuyển nhượng 40% cổ phần, tương đương 93,9 triệu USD là một ví dụ. Ngoài ra, thị trường đã chứng kiến nhiều giao dịch tài sản đầu tư như thương vụ A&B Tower TPHCM, khu vực resort The Nam Hai (Quảng Nam), TNT Tower Hà Nội và khu resort Six Sense Côn Đảo…
Về lĩnh vực ngân hàng và tài chính, tính đến năm 2015 đã có 4 thương vụ M&A đã diễn ra, đó là thương vụ giữa Vietinbank và PG Bank, Mekong Bank và Maritime Bank, BIDV và MHB. Năm 2016, những thương vụ M&A ở lĩnh vực ngân hàng không nhiều mà xu hướng chủ yếu lại là lĩnh vực tài chính. Đáng chú ý, cuộc thâu tóm không chỉ các nhà đầu tư ngoại mà ngay cả các nhà đầu tư trong nước . Thương vụ đáng chý ý trong năm là Credit SaiGon Nhật Bản đầu tư vào HDBank Finance, thương vụ Công ty TNHH Bảo hiểm Dongbu – một công ty bảo hiểm đến từ Hàn Quốc đầu tư vào Công ty Bảo hiểm Bưu điện PTI.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhận thọ, có hai thương vụ chuyển đổi đáng chú ý. Tháng 10/2015, ACE – một trong những tập đoàn bảo hiểm tài sản và Tập đoàn bảo hiểm Chubb - một thương hiệu Mỹ nổi tiếng với lịch sử hoạt động trên 130 năm, đã đi đến thỏa thuận sáp nhập thành một tập đoàn bảo hiểm lớn thứ 4 toàn cầu mang tên Chubb. Tháng 4/2016, ACE Life đã chính thức đổi tên thành Chubb Life tại thị trường Việt Nam….
Đáng chú ý, xu hướng khởi nghiệp và start – up chưa bao giờ được nhắc đến nhiều như năm 2015 và nửa đầu năm 2016 tại Việt Nam. Số lượng các doanh nghiệp start – up được đầu tư cũng tăng 2,4 lần, từ 28 doanh nghiệp năm 2014 lên đến 67 doanh nghiệp năm 2015. Bốn lĩnh vực được đầu tư mạnh trong năm 2015 là thương mại điện tử, truyền thông, tài chính trên nền tẳng công nghệ, giáo dục trên nền tảng công nghệ. Trong đó, gần nửa số đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp Việt đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, có một số thương vụ mua lại, gồm Vietnammm mua lại Foodpanda, Weeby.co mua lại Tappy, Yellow Mobile mua lại Clever Adss Corp và Websosanh. Tuy nhiên, thương vụ ấn tượng nhất năm 2015 và tạo khích lệ nhất cho cộng đồng start – up người Việt Nam cả trong nước lẫn nước ngoài, đó là tập đoàn quốc tế Fossil mua lại Misfit – một doanh nghiệp đặt tại Việt Nam do các doanh nhân quốc tế làm chủ, trị giá 260 triệu USD.
Nhiều dự báo, cơ hội “bán mình” nhiều doanh nghiệp trong nước sẽ còn tiếp diễn. Với lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp có tiếng trong nước như Sabco, Habeco, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… vẫn còn chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ Châu Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản… Đối với lĩnh vực nông nghiệp, sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Vì vậy, các thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp và chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư sẽ xuất hiện.
Ở lĩnh vực Ngân hàng và dịch vụ tài chính, trong năm 2016 có thể sẽ chưa xuất hiện thêm các thương vụ M&A lớn trong ngành, nhưng dự báo sẽ vẫn sôi động trong trung hạn do nằm trong lộ trình tái cấu trúc của ngành ngân hàng Việt Nam. Số lượng các ngân hàng thương mại sẽ được giảm về 13 -15 vào năm 2017.
Ngay cả thị trường BĐS được dự báo trong năm 2016 và những năm tới cũng đường kỳ vọng tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A.