"Có chăng, việc gặp khó của một số doanh nghiệp in ấn là do khâu đàm phán về giá cả. Tuy vậy, mức giá giấy in hiện cũng đang rất ổn định, không có nhiều biến động", ông Vũ Ngọc Bảo nói.
Sản xuất và nhập khẩu giấy của doanh nghiệp ngành giấy chủ yếu phục vụ công tác in ấn sách, báo, truyện, giấy viết và giấy đóng bao bì, phục vụ các đơn vị sản xuất hàng hóa. Thời gian qua, lĩnh vực giấy bao bì có gặp khó khăn, tiêu thụ sụt giảm do lực cầu giảm mạnh. Điều này chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc do sản xuất hàng hóa tại thị trường này chưa thực sự phục hồi. Không chỉ riêng ngành giấy bao bì Việt Nam, mà các doanh nghiệp giấy trong khu vực cũng chịu ảnh hưởng về giảm xuất khẩu.
Tuy vậy, ở lĩnh vực giấy in ấn thì mọi hoạt động sản xuất, xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường, ông Vũ Ngọc Bảo khẳng định.
Theo thông tin từ Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, đối với giấy bao bì tại thị trường nội địa, sản lượng tiêu thụ toàn cầu giảm, ách tắc lưu thông hàng hóa dẫn tới tồn kho tăng cao. Chi phí sản xuất tăng, lưu kho tăng… khiến nhiều nhà máy nội địa cũng như trên toàn cầu gặp khó.
Ở trong nước, sản lượng tiêu thụ bao bì đạt hơn 5 triệu tấn trong năm 2022 vừa qua, trong đó, nhập khẩu chiếm khoảng hơn 800.000 tấn, còn lại là sản xuất nội địa. Các nhà máy lớn tại phía Nam đều có sản lượng giấy sản xuất thực tế tăng cao hơn công suất máy.
Trong năm 2022, nhập khẩu giấy in, viết của Việt Nam cũng đạt hơn 306 triệu USD. Về cuối năm, do ảnh hưởng của nhu cầu tiêu thụ yếu, các nhà máy và đại lý gặp khó khăn trong việc chào hàng. Trong những tháng đầu năm 2023, một số nhà máy giấy đã cắt giảm công suất, tạm dừng máy ở thời điểm Tết và nhằm mục đích giảm áp lực lên lượng tồn kho hiện tại.
Các doanh nghiệp trong ngành này cũng cho hay, tiêu thụ ngành giấy năm 2023 này nhiều khả năng sẽ giảm nhẹ, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ còn yếu.