Dự án được Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác kinh doanh (Business Partnership Platform) và nhằm mục tiêu tăng cường và cải thiện sự tiếp cận tới các dịch vụ tài chính cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, đặc biệt là các doanh nghiệp vi mô do phụ nữ điều hành.
Dự án giai đoạn 2 sẽ tiếp tục được thực hiện với sự phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội, Mastercard và Quỹ Châu Á (TAF) cho giai đoạn từ năm 2019-2022 tại 10 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Bình Định, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ.
Năm 2017, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hợp tác với Quỹ Châu Á và Mastercard thực hiện Dự án “Dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động - Tài chính toàn diện và tạo quyền năng kinh tế cho người thu nhập thấp và phụ nữ ở Việt Nam” (Mobile banking 1).
Dự án nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cung cấp các dịch vụ tài chính số đa dạng và thuận tiện cho các khách hàng của Ngân hàng; trong đó có người nghèo, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động đi làm việc ở nước ngoài trên toàn quốc, đặc biệt ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi.
Giai đoạn 2 sẽ được thực hiện từ 2019 - 2022 với mục tiêu cụ thể là hỗ trợ Ngân hàng Chính sách Xã hội trong quá trình xây dựng nền tảng tài chính số phục vụ hộ nghèo và các đối tượng yếu thế; nâng cao hiệu quả chất lượng cung cấp dịch vụ; và mở rộng phạm vi dịch vụ tài chính của ngân hàng và phát triển đối tác trong cung ứng dịch vụ tài chính số.
Ông Bùi Quang Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, giai đoạn 2 sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ tin nhắn SMS cho khách hàng, đảm bảo 100% khách hàng có đăng ký điện thoại với ngân hàng nhận và hiểu các tin nhắn và có thể phản hồi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Giai đoạn 2 cũng sẽ tập trung vào hỗ trợ Ngân hàng Chính sách Xã hội xây dựng nền tảng tài chính số; trong đó có xây dựng giải pháp công nghệ cho dịch vụ mobile banking. Dự kiến đến cuối dự án, Ngân hàng Chính sách Xã hội có thể bắt đầu cung cấp dịch vụ mobile banking cho Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và thí điểm dịch vụ thanh toán cho khách hàng (thu hộ, chi hộ, chuyển tiền, thẻ…), qua đó giúp cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ và tăng hiệu quả chi phí.
Cũng theo ông Bùi Quang Vinh, kết thúc giai đoạn 1, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thành công trong việc thí điểm và mở rộng dịch vụ tin nhắn SMS định kỳ tới các khách hàng tại 10 tỉnh dự án. Tiếp đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện gửi tin nhắn trên toàn quốc, thông tin cho khách hàng về số dư tiền vay, tiền tiết kiệm, thông báo nợ đến hạn và thay đổi số dư tài khoản của khách hàng. Tính đến cuối năm 2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã gửi tin nhắn định kỳ tới gần 5,1 triệu khách hàng trên 63 tỉnh, thành phố có đăng ký số điện thoại với ngân hàng.
"Việc thực hiện thành công dịch vụ tin nhắn tới khách hàng có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và hiệu quả hoạt động, cung cấp thông tin kịp thời đến khách hàng của ngân hàng. Ngoài ra, dịch vụ tin nhắn của Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng là bước tập dượt cho các khách hàng quen dần với việc sử dụng điện thoại tiếp cận những thông tin về các dịch vụ tài chính của họ, làm cơ sở cho việc cung ứng các dịch vụ tài chính khác trên điện thoại di động", ông Bùi Quang Vinh nói.
Ông Phan Cử Nhân, Giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và truyền thông, Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cho biết, Dự án giai đoạn 2 sẽ tiếp tục hỗ trợ Ngân hàng Chính sách Xã hội lồng ghép giới vào hoạt động của ngân hàng nhằm góp phần đạt mục tiêu cải thiện quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Trong hơn 6,6 triệu khách hàng hộ nghèo và đối tượng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội, khách hàng nữ chiếm 60% và đến 90% khách hàng nữ tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.
Trong giai đoạn này, Dự án sẽ ưu tiên hỗ trợ các khách hàng nữ đang gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ và dịch vụ tài chính góp phần vào thực hiện bảo đảm an sinh, hoà nhập xã hội cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách trong việc tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng và ứng dụng công nghệ.