Trường hợp không thể tiếp tục triển khai thi công đáp ứng tiến độ của dự án, Ban Quản lý dự án 4 căn cứ quy định của hợp đồng và pháp luật có liên quan đề xuất phương án xử lý phù hợp.
Ban Quản lý dự án 4 cũng được giao phải báo cáo phạm vi, giá trị công việc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An trong gói thầu XD02, tình hình triển khai thi công đến thời điểm hiện tại.
Đồng thời báo cáo về các khó khăn, giải pháp xử lý của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An về cơ cấu tổ chức, người đại diện theo pháp luật; khả năng cung cấp vật liệu, huy động máy móc, nhân công, tài chính; đánh giá các tác động, ảnh hưởng đối với công tác triển khai dự án.
Sau khi nhận được yêu cầu báo cáo của chủ đầu tư về việc ngừng thi công, ngày 19/4, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An (Tập đoàn Thuận An) đã gửi văn bản cam kết sẽ tiếp tục thi công hai gói thầu tại dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên tại TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, Tập đoàn Thuận An cam kết sẽ tiếp tục triển khai thi công tại hiện trường để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Nhà thầu cho biết đã chỉ đạo chấn chỉnh Ban chỉ huy công trường tại 2 gói thầu XL-05, XL-06 phải có mặt 24/24h tại công trường để trực tiếp xử lý công việc và tiếp tục triển khai thi công. Nhà thầu cam kết và chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về công tác hoạt động của các Ban chỉ huy công trường tại 2 gói thầu này.
Tại dự án này, theo Tập đoàn Thuận An, đến nay sản lượng thi công gói thầu XL-05 đạt 4% giá trị xây lắp và gói thầu XL-06 đạt 4,42% giá trị xây lắp. Doanh nghiệp đã lên kế hoạch tiếp tục triển khai thi công, nhưng có một số khó khăn, vướng mắc về nguồn cung cát san lấp khan hiếm và bãi đổ thải nên nhà thầu vẫn chưa thể triển khai thi công.
Tập đoàn Thuận An cam kết ngay sau khi được chấp thuận nguồn vật liệu cát đắp, bãi đổ thải sẽ tổ chức triển khai thi công ngay, đảm bảo chất lượng, tiến độ của các gói thầu và không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Như TTXVN đã đưa tin, Tập đoàn Thuận An là thành viên của liên danh nhà thầu xây lắp, thực hiện một phần công việc của gói thầu XL-05 (đoạn từ cầu Tân Kỳ Tân Quý đến cầu Bưng) và gói thầu XL-06 (đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương) thuộc dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn).
Cả hai gói thầu XL-05 và XL-06, Tập đoàn Thuận An thực hiện thi công các hạng mục xây dựng đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật (trừ hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng) bờ phải. Tổng giá trị 2 gói thầu của doanh nghiệp này là khoảng 130 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh (chủ đầu tư), qua kiểm tra công trường gói thầu XL-05, gói thầu XL-06 và báo cáo của nhà thầu tư vấn giám sát thì Tập đoàn Thuận An đã ngưng thi công và các nhân sự ban chỉ huy công trường, nhân công... không có mặt trên công trường. Chủ đầu tư đề nghị Tập đoàn này làm rõ về khả năng tiếp tục thực hiện các gói thầu XL-05, XL-06 và gửi về chủ đầu tư trước ngày 25/4, nếu không sẽ coi là trường hợp vi phạm hợp đồng.
Cũng trong ngày 19/4, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban Giao thông) cũng đã thông tin về 2 dự án giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh liên quan đến Tập đoàn Thuận An là dự án hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ và dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.
Tại dự án nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ (Quận 7), Tập đoàn Thuận An tham gia liên danh cùng 2 nhà thầu khác thực hiện xây lắp gói thầu XL2 (hầm chui HC2) với tổng giá trị hợp đồng hơn 262 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Thuận An có tỷ lệ liên danh 40%, tương đương hơn 105 tỷ đồng.
Gói thầu này đã thi công từ tháng 4/2020, đến nay Tập đoàn Thuận An vẫn duy trì nhân công, thiết bị thi công bình thường tại công trường. Dự kiến gói thầu này sẽ hoàn thành toàn bộ trong quý III/2024.
Tại dự án Vành đai 3, Tập đoàn Thuận An liên danh cùng 8 công ty khác thực hiện gói thầu XL5 qua thành phố Thủ Đức, với tổng giá trị hợp đồng hơn 2.300 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Thuận An có tỷ lệ liên danh 26,5% hợp đồng, tương đương hơn 610 tỷ đồng. Gói thầu đang ở giai đoạn bắt đầu thi công và đến nay Tập đoàn này vẫn duy trì nhân công, thiết bị thi công bình thường tại công trường.
Ban Giao thông cũng đã có văn bản gửi Tập đoàn Thuận An đề nghị có thông tin chi tiết về pháp nhân, pháp lý, tài chính, kế hoạch hoạt động của công ty trong thời gian tới và báo cáo cho chủ đầu tư kế hoạch chi tiết để đảm bảo tiếp tục triển khai thi công phần việc thuộc 2 gói thầu ở dự án Vành đai 3 và nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ trong thời gian tới.
Ban Giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, đôn đốc Tập đoàn Thuận An duy trì nhân lực, thiết bị, đảm bảo tiến độ thi công tại công trường của 2 gói thầu theo điều kiện hợp đồng. Chủ đầu tư cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho phương án dự phòng là sẽ chấm dứt hợp đồng, chuyển khối lượng thi công còn lại của Tập đoàn Thuận An cho các thành viên liên danh trong trường hợp công ty này không đảm bảo khối lượng, tiến độ thi công theo yêu cầu hoặc không thể tiếp tục thi công trong thời gian tới.
Trước đó, ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An.
C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giữ bị can đối với hàng loạt lãnh đạo của công ty này để điều tra.
Công ty này tham gia nhiều dự án giao thông trên cả nước như dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội), dự án xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu huyện Yên Dũng (Bắc Giang), hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (TP Hồ Chí Minh)...