Cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW - Bài cuối: Tháo gỡ vướng mắc để phát triển

Dù đạt được nhiều thành quả sau các kế hoạch xây dựng nông nghiệp sinh thái, trang bị kiến thức cho nông dân để đi lên con đường hiện đại văn minh, làm chủ sản xuất nhưng đây là cả một quá trình hoàn thiện đối với đội ngũ lao động khu vực nông thôn. Chính vì vậy, tỉnh Bến Tre còn phải có nhiều chương trình hơn nữa để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng trong công cuộc đưa nông dân tiến tới làm chủ sản xuất, làm chủ nông thôn.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh công nghệ cao hai giai đoạn ở xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Ảnh tư liệu: Công Trí/TTXVN

Còn trở ngại

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đưa vào thị trường theo chuỗi đòi hỏi nông dân có một trình độ kiến thức nhất định về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, với thế hệ nông dân trẻ, đây là điều khá dễ dàng, còn với những nông thế hệ trước, phải trải qua đào tạo tập huấn lâu dài mới có thể tiếp thu và thực hiện được.

Ông Lao Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bến Tre chia sẻ, đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn và kéo dài trong khi điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai chưa thực sự thuận lợi, điều này dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro.

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức sản xuất và trình độ nhất định. Trong khi đó, lao động nông thôn chủ yếu là người già và phụ nữ lớn tuổi. Chính vì vậy, việc tiếp thu các kiến thức, quy trình công nghệ mới còn hạn chế.

Thêm vào đó, thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, xu hướng biến động giảm lớn nên nông dân rất khó khăn trong ứng dụng khoa học vào sản xuất, nhất là sản xuất quy mô hàng hóa.

Ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bến Tre cho biết, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là chuyển đổi thói quen, thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp thì không ngoại lệ, hiện nay chuyển đổi số trong nông nghiệp cũng còn rất nhiều khó khăn như cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp.

Trình độ cơ giới hóa còn thấp, các công nghệ phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp (cơ khí, chế biến sâu, dây chuyền kiểm nghiệm sản phẩm nông nghiệp…) chưa tương xứng. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị (tự động, số, thiết bị phân tích...) rất hạn chế...

Nguồn nhân lực cho phát triển nông thôn hiện đang phụ thuộc vào phần lớn thế hệ trẻ, nhưng kinh phí đầu tư công nghệ lại phụ thuộc vào thế hệ nông dân lão thành, có nguồn vốn sau thời gian dài tích luỹ.

Bà Trần Thị Mừng, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Bến Tre tâm tư khi nói về ứng dụng công nghệ vào sản xuất, qua những lần tập huấn sản xuất và nhận ra hệ thống quản lý sản xuất là sự tiến bộ lớn giúp nông dân phòng ngừa dịch bệnh trong cây trồng, quản lý được nguồn vốn tránh phung phí vào tình trạng “cây có bệnh mới chữa, mất bò mới lo làm chuồng”.

Thế nhưng, kinh phí đầu tư cho một hệ thống này quá cao so với năng lực kinh tế hiện có của nông dân. Dù biết rằng khoa học công nghệ hiệu quả, giá trị vườn cây sẽ tăng, nhưng bà Mừng vẫn phải đặt lên bàn cân các loại chi phí và thời gian hoàn vốn mới có thể đưa ra quyết định đầu tư. 

Đó là chưa kể đến việc nông dân đã ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc, nhưng cũng vấp phải nhiều tình huống  đánh cắp thương hiệu trong tiêu thụ sản phẩm. 

Theo ông Dương Văn Huyền, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Cái Mơn, huyện Chợ Lách cho biết, hiện tại Hợp tác xã Cái Mơn tiêu thuần phẩm cây giống ra thị trường có dán tem QR truy xuất nguồn gốc, nhưng cũng có nhiều đơn vị tiêu thụ cây giống khác photocopy tem của Hợp tác xã Cái Mơn để dán lên sản phẩm không thuộc hợp tác xã. Đây là một vấn đề lớn ảnh hưởng đến thương hiệu cây giống Cái Mơn của tỉnh Bến Tre.

Hợp tác xã Cái Mơn cũng đã tạo trang web bán hàng và đăng tải các thông tin nhận dạng tem truy xuất nguồn gốc, với mong muốn trang bị thêm kiến thức công nghệ cho nông dân và cả người tiêu dùng. 

Nhiều chính sách hỗ trợ

Giải quyết những trở ngại còn tồn tại trong nhận thức, kiến thức của nông dân mới hoàn thiện quá trình chuyển đổi nhận thức, nâng cao vai trò của mình trong làm chủ nông thôn. 

Để làm được điều này, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã có nhiều chính sách phát triển nông nghiệp và phát triển kinh tế hợp tác để nông dân Bến Tre quen dần với kinh tế chuỗi và kinh tế thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh Bến Tre cũng đã có nhiều quyết định khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp, hỗ trợ nông dân thay đổi tư duy và phương thức sản xuất như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Bến Tre, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre…

Thực hiện bố trí nguồn đầu tư công trung hạn 2021-2025 đầu tư các công trình, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Chủ động rà soát, đề xuất, kiến nghị, tham gia xây dựng hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, pháp luật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chính sách về đất đai, thuế; tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhờ đó, nền nông nghiệp của tỉnh Bến Tre đang phát triển và dần thích nghi với kinh tế thị trường theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Đã hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường theo mô hình chuỗi giá trị nông sản; các vùng sản xuất tập trung đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong đội ngũ nông dân, tỉnh Bến Tre cũng đang tập trung thực hiện tuyên truyền, thông tin, truyền thông, tập huấn, gắn với các phong trào cụ thể “làm dân thấy, nói dân nghe, tuyên truyền bằng hành động” để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của người dân về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh đó, tỉnh Bến Tre tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao trình độ tay nghề, từng bước “trí thức hóa nông dân”, có cơ chế, chính sách đãi ngộ tạo việc làm tại chỗ cho thanh niên nông thôn, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về phục vụ khu vực nông thôn.

Tỉnh phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người nông dân, từ đó hình thành đội ngũ lao động nông nghiệp chuyên nghiệp có kiến thức, kỹ năng đáp ứng theo nhu cầu lao động của doanh nghiệp và thị trường.

Đồng thời đổi mới tư duy về các hoạt động khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh Bến Tre tập trung đầu tư, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ sinh học trong chọn tạo, cải tiến giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, tập trung vào các đối tượng trọng điểm, chủ lực và phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.

UBND tỉnh Bến Tre cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, tương thân, tương ái; tôn vinh, khen thưởng gương nông dân điển hình, tiên tiến trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào xây dựng nông thôn mới và xây dựng gia đình văn hóa. 

Không những vậy, tỉnh Bến Tre cũng hướng đội ngũ đảng viên đóng vai trò tiên phong trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Cùng đó, tỉnh xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả và vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và bảo vệ môi trường, xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Hội vững mạnh. 

Với những chương trình, hoạt động, phong trào tiêu biểu nêu trên, hội viên là đảng viên ngày càng phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tuyên truyền, vận động nông dân gắn kết, đồng lòng trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh ngày càng dần đi vào thực chất và có tính lan tỏa cao thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ, phương pháp sản xuất, canh tác mới, ông Lao Văn Trường cho biết thêm.

Công Trí - Hồng Nhung - Phúc Hậu (TTXVN)
Cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW - Bài 1: Bến Tre nâng cao vai trò và năng lực làm chủ của nông dân
Cụ thể hóa Nghị quyết 19-NQ/TW - Bài 1: Bến Tre nâng cao vai trò và năng lực làm chủ của nông dân

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Chính phủ phê duyệt tháng 2/2023 đã thúc đẩy các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tích cực đưa nông thôn, nông dân sang một bước tiến mới. Là một trong 13 tỉnh của khu vực này, tỉnh Bến Tre đã có nhiều chương trình hành động thực hiện xây dựng nông thôn, đưa nông dân lên vai trò làm chủ, nâng cao năng lực sản xuất, liên kết và tiêu thụ sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN