CPI tháng 10 tăng 0,11% so với tháng trước

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 24/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 năm 2015 tăng 0,11% so với tháng trước, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,51% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân mười tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,67%.


Người tiêu dùng mua sắm tại Co.op mart Phú Thọ - TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 7 nhóm tăng với mức tăng không đáng kể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,19%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,11%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,2%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%; Giáo dục tăng 0,05%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,1%.

Có 4 nhóm hàng giảm: bưu chính viễn thông giảm 0,03%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,01%, giao thông giảm 0,05% và nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá cho biết, CPI tháng 10 năm 2015 tăng chủ yếu là do: nhóm thực phẩm tăng 0,34% do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng cao, bên cạnh đó giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của đợt mưa đầu tháng 10 làm năng suất thu hoạch và lượng rau xanh trên thị trường giảm.

Giá xăng tăng 800 đồng/lít, dầu diezezen tăng 410 đồng/lít vào ngày 18/9 và 03/10/2015 làm cho chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 0,19% so với tháng trước.

Tháng 10 là tháng giao mùa ở miền Bắc nên nhu cầu về một số mặt hàng quần áo, giầy dép phục vụ thu đông tăng làm cho chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,2%. Không những thế, từ ngày 01/10/2015 có thành phố Hà Nội và hai tỉnh Lào Cai và Nam Định tăng giá nước làm cho chỉ số giá nhóm nước sinh hoạt tăng 0,56% so với tháng trước.

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 10 năm 2015 như: nguồn cung lương thực dồi dào nên giá các mặt hàng gạo tiếp tục giảm 0,26%. Riêng tại các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long giá gạo tăng nhẹ 300-400đ/kg, do Việt Nam đã thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo sang Philippines và 1 triệu tấn gạo cung cấp cho Indonexia.

Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,19% chủ yếu giảm ở mặt hàng sắt thép xây dựng do giá phôi thép thế giới giảm. Bên cạnh đó, giá sắt thép nội địa đang cạnh tranh gay gắt với giá sắt thép Trung Quốc, số lượng lớn sắt thép Trung Quốc tràn về Việt Nam với giá rẻ, các doanh nghiệp trong nước phải hạ giá bán để kích cầu tiêu dùng.

Giá dịch vụ giao thông công cộng giảm 1,76% ở tất cả các loại đường là đường sắt, đường bộ, đường hàng không và đường thủy do trong tháng 9 Bộ GTVT yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giám sát chặt chẽ giá cước vận tải, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải kê khai lại giá cước phù hợp với mức giảm của giá xăng dầu.

Theo đó, giá vé ô tô khách giảm 1,81%; vé taxi giảm 0,47%; vé tàu thủy giảm 0,64%; vé tàu hỏa tiếp tục giảm 1,85% do từ 05/9/2015 Tổng công ty đường sắt Việt Nam giảm giá vé tàu hỏa ở một số chặng để phù hợp với giá nhiên liệu giảm, đồng thời thu hút khách đi tàu.

Từ 01/10/2015 Cục hàng không Việt Nam thực hiện điều chỉnh giảm mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa hạng phổ thông trung bình khoảng 4% do giá nhiên liệu giảm liên tiếp trong thời gian gần đây.

Cũng trong tháng 10, giá vàng biến động theo giá vàng thế giới, giá vàng giảm so với tháng trước do sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đẩy lùi thời gian tăng lãi làm cho kim loại quý này mất sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Bình quân giá vàng trong nước ngày 15/10 dao động quanh mức 3.400.000 đ/chỉ vàng SJC.

Chỉ số giá đô la Mỹ trong tháng giảm nhẹ do nhu cầu về đô la Mỹ trên thị trường giảm so với tháng trước và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam siết chặt hoạt động giao dịch ngoại tệ đồng thời giảm lãi suất đô la Mỹ đã tác động đến tâm lý tích trữ đô la Mỹ. Tỷ giá dao động quanh mức 22.457 đồng/USD.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực-thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 10 năm 2015 tăng 0,06% so với tháng trước, tăng 1,82% so với cùng kỳ.


Lạm phát cơ bản tháng 10/2015 so với tháng 9/2015 tăng 0,06% có mức tăng khá tương đồng với lạm phát chung do tỷ lệ đóng góp CPI chung của các nhóm hàng loại trừ khi tính lạm phát cơ bản với các mặt hàng còn lại là tương đương.

Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng so cùng kỳ năm trước tăng 2,12% cao hơn mức 0,67% của lạm phát chung do mặt bằng giá các mặt hàng tính lạm phát chung thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Dự báo về CPI tháng 11, bà Đỗ Thị Ngọc cho biết, sẽ tăng nhẹ do giá lương thực, thực phẩm sẽ tăng nhẹ; đồng thời, do nhu cầu vào thời điểm giao mùa sang mùa lạnh sẽ ảnh hưởng đến giá của nhóm hàng may mặc, giày dép và đồ dùng gia đình sẽ tăng nhẹ.

Giá nước sinh hoạt có thể được điều chỉnh tăng ở một số tỉnh, tuy nhiên với tỷ trọng không lớn trong “rổ hàng” CPI, nên nhóm hàng này chỉ tác động nhẹ đến chỉ số CPI chung.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu được điều chỉnh vào ngày 19/10, giá xăng giảm 136đ/lít, giá dầu diezel tăng 222đ/lít, giá dầu hỏa tăng 445/lít, do đó tính chung chỉ số giá xăng dầu trong tính chỉ số CPI trong tháng 11 gần như không thay đổi giữ cho CPI chung ổn định.

Giá các mặt hàng khác trong tháng 11 khá ổn định.

Thúy Hiền (TTXVN)
CPI tăng thấp cũng là yếu tố cho GDP tăng trưởng
CPI tăng thấp cũng là yếu tố cho GDP tăng trưởng

Chỉ số CPI tăng thấp, được xem là điều kiện cho sản xuất kinh doanh ổn định và cũng là yếu tố GDP tăng trưởng trong năm 2015. Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN