Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2015 tăng 0,13% so với tháng trước nhưng CPI 7 tháng năm nay tăng 0,86% so với cùng kỳ năm trước vẫn được đánh giá là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây là thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê (TCTK) công bố ngày 24/7.
Tăng thấp nhất 10 năm dù nhiều nhóm hàng nhích giá Theo bà Đỗ Bích Ngọc - Vụ phó Vụ Thống kê giá (TCTK), CPI tháng 7 tăng chủ yếu do diễn ra kỳ thi tuyển vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia năm 2015. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giải khát, dịch vụ giao thông công cộng tăng khiến giá các mặt hàng này cũng điều chỉnh theo.
Nguồn cung hàng hóa dồi dào góp phần kiềm chế CPI tháng 7. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Thời tiết trong tháng 7 vẫn nắng nóng kéo dài nên nhu cầu dùng điện cao, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,32%, nước sinh hoạt tăng 0,22%. Trong khi đó, từ ngày 1/7, giá dịch vụ y tế ở TP Hồ Chí Minh được điều chỉnh tăng ở một số quận cũng làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,15% so với tháng trước. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 9 nhóm tăng. Trong đó, nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép, có mức tăng cao nhất 0,25%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng thấp nhất 0,1%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,22%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,18%; nhóm giao thông tăng 0,16%...
“Trong bối cảnh mọi thứ không đổi mà nền kinh tế vẫn tăng trưởng hơn 6,28%, lạm phát thấp kỷ lục, là chỉ số rất tốt. GDP trên 6% và lạm phát dưới 2% thì không có vấn đề gì hết". TS Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương |
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 7 như: Giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới khá ổn định; nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào; giá gas giảm 3.500 - 4.000 đồng/bình 12 kg từ đầu tháng nên chỉ số giá gas giảm 2,21% so với tháng trước. Thêm vào đó giá dầu hỏa trong nước được giảm vào ngày 19/6 và ngày 4/7 (giảm 500 đồng/lít).
Trao đổi với phóng viên Tin Tức, bà Ngọc cho rằng, loại trừ năm 2012, CPI tháng 7/2015 so với tháng trước cũng có mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua nhưng chưa quá lo ngại. “Dự báo về CPI tháng 8 sẽ có mức tăng nhẹ do nhu cầu một số mặt hàng thực phẩm phục vụ cho Rằm tháng 7 và Rằm Trung thu tăng. Một số trường đại học, cao đẳng học sớm có thể điều chỉnh học phí năm 2015 - 2016. Ngoài ra một số mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu có thể tăng hơn so với tháng trước do đồng USD tiếp tục mạnh lên so với các đồng tiền khác, nên cũng góp phần làm tăng CPI”, đại diện Vụ Thống kê giá nói.
Kinh tế tăng trưởng ổn định
Theo chuyên gia kinh tế Trịnh Thu Trang, tuy CPI thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định, quý sau cao hơn quý trước một cách bền vững và đó là vấn đề không đáng lo ngại.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK nhấn mạnh: Sức cầu vẫn “ấm”, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của các tháng vẫn tăng. “Nói CPI tăng thấp do sức mua yếu thì không phải. Đây hoàn toàn là do điều hành của Chính phủ đã phù hợp với các tín hiệu của thị trường”, ông Lâm nói.
Trước những lo ngại CPI tăng thấp có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP, TCTK cho rằng, mức giá tăng như thời gian qua là dấu hiệu tốt cho quản lý điều hành nền kinh tế và không ảnh hưởng đến tăng trưởng. “Với toàn bộ nền kinh tế thì mức tăng CPI là phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, nên không ảnh hưởng đến các chỉ số chung. Trừ sản xuất nông nghiệp có suy giảm do thời tiết, giá cả, còn lại công nghiệp và dịch vụ đều tăng tốt”, ông Lâm khẳng định.
Tuy nhiên ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính lại lo ngại, nền kinh tế hiện đang ở tương đối gần mức lạm phát 0% nhưng đồng thời lại rất xa mức lạm phát mục tiêu là 5%. Nguy cơ nền kinh tế Việt Nam rơi vào giảm phát quay trở lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao và không loại trừ tổng cầu yếu hơn tổng cung.
Lãnh đạo Viện Kinh tế - tài chính đã đưa ra các kịch bản: Trong giai đoạn 3 năm tới, 2015 - 2018, nếu tỷ giá điều chỉnh bình quân 2% mỗi năm, GDP bình quân nếu chỉ tăng 6%, lạm phát bình quân của Việt Nam sẽ ở con số âm 0,93%. Nếu GDP bình quân giai đoạn này ở mức 6,25%, lạm phát chỉ nhích lên 0,37%. Nhưng nếu GDP tăng 6,5%, lạm phát sẽ tăng cao hơn 1%, dừng ở con số 1,68%.
Ở 2 kịch bản tiếp theo, GDP đạt từ 6,75% trở lên thì lạm phát là 2,99%. Tăng cao hơn nữa, GDP bình quân 3 năm tới đạt 7% thì lạm phát bình quân sẽ chỉ tăng cao nhất là 4,3%. "Để nền kinh tế tránh xa vùng giảm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế cần phải cao hơn 6,5%. Nếu GDP chỉ ở mức 6 - 6,25%, xác suất nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát là rất lớn.