Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Thống kê ASEAN năm 2020, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến “Thiết lập hệ thống thông tin thống kê về phát triển bền vững của ASEAN”. Sáng kiến của Việt Nam đã nhận được sự đồng thuận và tích cực tham gia thực hiện của tất cả các quốc gia thành viên ASEAN.
Phát biểu tại mạc tại lễ công bố ở đầu cầu Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, sáng kiến này nhằm góp phần hình thành một hệ thống thông tin thống kê về phát triển bền vững, đồng bộ, thống nhất; bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin phục vụ giám sát và đánh giá phát triển bền vững của cộng đồng ASEAN.
Đồng thời, đẩy mạnh quan hệ đối tác trong thực hiện các chỉ tiêu; nâng cao năng lực của các quốc gia thành viên trong việc thu thập, biên soạn các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững cũng như tăng cường vai trò điều phối của thống kê ASEAN.
“Với sự nỗ lực thực hiện của các quốc gia thành viên, sự chủ động của Thống kê ASEAN, nhóm công tác về các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của ASEAN và sự hỗ trợ của dự án ARISE Plus, đến nay Báo cáo đầu kỳ các chỉ tiêu phát triển bền vững của ASEAN đã được hoàn thiện và Cổng thông tin dữ liệu trực tuyến về các chỉ tiêu phát triển bền vững của ASEAN đã được thiết lập”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Bà TS. Julia Tijaja, Vụ trưởng Vụ Giám sát Hội nhập Asean, Ban Thư ký Asean cho biết, năm 2020, đại dịch COVID-19, đã khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới gặp vô vàn khó khăn. Trước những khó khăn này, các quốc gia đã xây dựng các mục tiêu để khôi phục và để đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
“Thông qua Báo cáo đầu kỳ và cơ sở dữ liệu trực tuyến các chỉ tiêu SDG của ASEAN, chúng ta có thể nhanh chóng khôi phục đại dịch COVID-19 và hướng tới tương lai phát triển bền vững. Số liệu thống kê là cần thiết và quan trọng. Qua đó, chúng ta cần tiếp tục tiến hành theo dõi, giám sát và tiếp cận các chỉ số để các quốc gia cố gắng đạt các mục tiêu phát triển bền vững.”, TS. Julia Tijaja nhấn mạnh.
Để bảo đảm công tác giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững của ASEAN đến năm 2030, Tổng cục Thống kê Việt Nam đề xuất 3 nội dung chính: thứ nhất đó là tiếp tục duy trì và phát huy tính chủ động của nhóm công tác về các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của ASEAN. Thứ hai, thường xuyên cập nhật dữ liệu về các chỉ tiêu phát triển bền vững tại các quốc gia thành viên.
Thứ ba, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, tổ chức phi chính phủ; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thực hiện các chỉ tiêu giám sát và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Igor Driesmans, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại ASEAN cho rằng, chỉ có thể đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững, nếu như chúng ta cùng chung tay và cùng đảm bảo để hướng tới những mục tiêu chung giữa các quốc gia.
Hệ thống Thống kê quốc gia (NSS) và các Cơ quan Thống kê quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện báo cáo tiến độ quốc gia. Đây là các cơ quan giám sát được hỗ trợ bởi các cơ chế và biện pháp thể chế khác nhau.
Theo báo cáo ở lễ công bố, duy trì hệ thống giám sát đối mặt với những thách thức lớn do yêu cầu về dữ liệu SDG rất lớn. Cùng với đó, năng lực thống kê ngày càng phải nâng cao, cả về nguồn lực tài chính cũng như nhân lực, nhằm tăng cường sự tham gia của các bên liên quan để hệ thống giám sát quốc gia được vững chắc
Báo cáo đầu kỳ và cổng cơ sở dữ liệu trực tuyến các chỉ tiêu SDG của ASEAN là những nỗ lực của ACSS trong việc cung cấp số liệu thống kê phù hợp, kịp thời và có khả năng so sánh, phục vụ công tác hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng. ACSS cam kết nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác ở khu vực cũng như quốc gia để cải thiện tính sẵn có và chất lượng dữ liệu với sự ủng hộ của các bộ ngành có liên quan.
Mặc dù, hiện tại mới chỉ có một số chỉ tiêu SDG được đưa vào báo cáo và cơ sở dữ liệu trực tuyến, chủ yếu do năng lực hạn chế của Hệ thống thống kê quốc gia của các quốc gia thành viên, nhưng ACSS cam kết sẽ tiếp tục nâng cao năng lực và tăng cường hợp tác ở khu vực cũng như quốc gia để cải thiện tính sẵn có và chất lượng dữ liệu. Vì vậy, rất cần có sự vào cuộc và tham gia tích cực của các bộ ngành có liên quan.
Các SDG dựa trên sáu chủ đề bao gồm: Nhân phẩm, con người, hành tinh, quan hệ đối tác, công lý và thịnh vượng.
SDG toàn diện hơn so với mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) và bao gồm 17 mục tiêu, được xác định bởi 169 mục tiêu cụ thể và 232 chỉ tiêu. Những mục tiêu này vượt ra tầm phát triển xã hội, bao gồm cả các mục tiêu đối với biến đổi khí hậu, bất bình đẳng kinh tế, đổi mới, tiêu thụ bền vững, hòa bình, công bằng…
Mỗi mục tiêu được kết nối với nhau và thành công trong một mục tiêu thường sẽ giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khác…