Theo chiến lược, về mục tiêu, phấn đấu tới năm 2030, nợ công của Việt Nam không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết, chiến lược nợ công được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đã đặt ra một số chỉ tiêu cân đối lớn như tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP.
Theo Thứ trưởng, việc xây dựng Chiến lược nợ công đã kế thừa vai trò tích cực của chính sách quản lý nợ công giai đoạn vừa qua, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, tốc độ tăng nợ công đã giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống bình quân còn khoảng 6,7%/năm giai đoạn 2016-2020; dư nợ công đến cuối năm 2020 ở mức 55,9% GDP chưa đánh giá lại (giảm mạnh so với đỉnh nợ 63,7% GDP vào năm 2016); đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,1% GDP đánh giá lại.
Cơ cấu vay nợ trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn (tỷ lệ nợ nước ngoài giảm từ 61% so với tổng nợ Chính phủ năm 2011 xuống còn 33% năm 2021); việc trả nợ luôn đảm bảo đúng hạn, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia như việc tổ chức S&P vừa công bố quyết định nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc, từ mức BB lên mức BB+, triển vọng "Ổn định", tăng dư địa chính sách tài khóa để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước cú sốc vĩ mô.
Là địa phương có tốc độ tăng trưởng hàng đầu cả nước, bà Phạm Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2017-2021, tổng số vốn vay của thành phố là 16.202 tỷ đồng. Trong số đó, vay từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là 4.800 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 30%, vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ là 11.402 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 70%. Nhờ nguồn vốn vay này mà thành phố đã thực hiện các dự án ODA như chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường sống, ứng phó biến đổi khí hậu…
Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hồng Hà, việc quản lý nợ của chính quyền địa phương còn một số hạn chế như cơ cấu vay chưa đa dạng, phụ thuộc vào nguồn vay lại của Chính phủ, chưa có quy định về chỉ số an toàn nợ chính quyền địa phương…
Bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, quản lý nợ của địa phương hiện nay vẫn đang phải đối mặt với nhiều rủi ro liên quan đến cơ cấu thể chế, khả năng phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan trong quản lý nợ địa phương.
Bên cạnh đó, theo bà Carolyn Turk, Việt Nam chưa xây dựng chiến lược quản lý nợ trung hạn cho địa phương, chưa có những đánh giá về rủi ro và chi phí trước khi thực hiện vay nợ. Đặc biệt là Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu đã hợp nhất.
Do đó, tại Chiến lược đã đề ra một số quan điểm chủ đạo và mục tiêu chủ yếu trong quản lý nợ công.
Về quan điểm, Chiến lược nợ bám sát Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nợ công theo kế hoạch trung hạn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; đảm bảo khả năng trả nợ, chủ động cơ cấu lại danh mục nợ và tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nợ công.
Ngoài ra, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, chiến lược nợ công cũng đề ra 6 định hướng lớn trong việc huy động và sử dụng vốn vay, 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện như tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; tổ chức thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại; thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nợ hiệu quả; phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước; quản lý nghĩa vụ nợ dự phòng; tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin; thanh tra, kiểm tra, giám sát và minh bạch hóa thông tin.