Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành đã có rất nhiều chương trình, đề án gắn kết giữa sản xuất với chuỗi tiêu thụ hàng hóa, nhất là hệ thống các siêu thị quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả vượt trội, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, doanh nghiệp cần có định hướng sản xuất kinh doanh để đáp ứng nhu cầu cũng như thâm nhập thành công vào mạng lưới phân phối toàn cầu.
Thiếu sự gắn kết
Mặc dù xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới nhưng đến nay tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam cho mạng lưới phân phối vẫn chiếm tỷ lệ thấp cả về số lượng và giá trị kim ngạch. Chính vì vậy, Bộ Công Thương xây dựng Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai trong thời gian gần đây nhằm đẩy mạnh kết nối doanh nghiệp Việt với các nhà bán lẻ nước ngoài; trong đó phối hợp với các Tập đoàn phân phối lớn như Central Group, AEON, Auchan...
Theo ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), Đề án nhằm giúp doanh nghiệp trực tiếp tham gia mạng phân phối, nắm bắt tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng và tiếp cận phương thức quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cho các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, các chuỗi phân phối có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam để đa dạng thêm nguồn hàng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản cần quản lý chất lượng tận gốc. Hơn nữa, cả doanh nghiệp và nhà bán lẻ đều có lợi về giá thông qua giảm chi phí trung gian.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhất là mặt hàng nông sản. Mặc dù cung cầu hàng hóa được bảo đảm, nhưng vẫn thiếu tính bền vững do liên kết giữa các nhà sản xuất, phân phối, vận chuyển và người tiêu dùng còn lỏng lẻo, đặc biệt là với hàng nông sản khiến thị trường dễ bị biến động cục bộ. Vì vậy, khi thị trường dư nguồn cung hoặc cầu tăng đột biến sẽ khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc tiếp cận công cụ điều tiết bình ổn thị trường.
Ông Trần Duy Đông cũng khuyến cáo doanh nghiệp cần sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và truy xuất nguồn gốc để dễ đưa hàng vào hệ thống siêu thị và thị trường xuất khẩu khó tính.
Mặt khác, Nhà nước nên chuyển dần hình thức hỗ trợ người nông dân trực tiếp như một số cách làm thời gian qua mà chuyển sang hỗ trợ gián tiếp thông qua các công cụ như bảo hiểm giá; các vấn đề liên quan đến kho lạnh, logistics, công nghiệp chế biến...
Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, MM Mega Market đã thành lập 4 trung tâm mua hàng nông sản ở Việt Nam và năm 2019 doanh nghiệp này đã xuất khẩu trên 1.000 tấn nông sản của Việt Nam qua hệ thống phân phối. Ngoài ra, bình quân mỗi năm Tập đoàn Central Group xuất khẩu 46 triệu USD giá trị hàng hóa Việt Nam và con số này tiếp tục tăng trưởng.
Hay như Saigon Co.op phối hợp với hệ thống NTUC FairPrice, mỗi năm xuất khẩu trên 200 container hàng hóa nhiều chủng loại vào thị trường Singapore.
Đặc biệt, siêu thị AEON đang xuất khẩu 250 triệu USD/năm giá trị hàng hóa của Việt Nam thông qua thương hiệu Top Value. Theo cam kết của AEON, trong năm nay giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua hệ thống phân phối này sẽ tăng lên 500 triệu USD và năm 2025 là 1 tỷ USD.
Mặt khác, Vinamilk cũng thành công trong việc đưa sản phẩm sữa organic vào Singapore và đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thương mại, để hàng hóa có thể "vào" được các hệ thống phân phối nước ngoài, người sản xuất, xuất khẩu buộc phải tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm, bao bì, nhãn mác… do đơn vị thu mua đưa ra. Đây cũng là cơ hội tốt để chuẩn hóa hàng hóa ngay từ khâu sản xuất.
Dù lợi ích rất rõ ràng, song không phải doanh nghiệp nào muốn tham gia vào chuỗi tiêu thụ đều có thể thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, chỉ những doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, có kinh nghiệm, năng lực mới có thể làm được.
Ngược lại, với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa từng tham gia xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn do chưa nắm bắt yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng hàng hóa.
Giải pháp linh hoạt
Chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này, ông Nguyễn Ngọc Luân - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Lâm San (Đồng Nai) cho hay, các sản phẩm của hợp tác xã hiện đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn chất lượng của châu Âu và được xuất khẩu với số lượng lớn sang thị trường này.
Chính vì thế, thay vì sản xuất đại trà rồi đem bán như trước đây, hợp tác xã đang tự tìm gặp các nhà phân phối đặt vấn đề, đưa sản phẩm cho họ xem và tổ chức sản xuất phù hợp. Việc làm này tuy mất thời gian, nhưng hàng hóa sản xuất đảm bảo chắc chắn được đầu ra và có giá thành tốt hơn.
Cùng chung quan điểm này, không ít doanh nghiệp cũng tích cực ủng hộ phương án xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối nước ngoài. Không những thế, nhiều doanh nghiệp còn coi đó như là hướng đi để phát triển xuất khẩu bền vững, mang lại hiệu quả và giá trị gia tăng cao.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và giúp tăng trưởng xuất khẩu thông qua gián tiếp, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt.
Theo đó, liên tiếp trong những ngày đầu năm 2020, lãnh đạo Bộ Công Thương không chỉ làm việc với các tập đoàn phân phối lớn tại Việt Nam mà còn làm việc với các hệ thống thương mại điện tử lớn nhằm đa dạng các kênh xuất khẩu cho hàng Việt.
Không chỉ vậy, các cơ quan chức năng, nhất là Tham tán thương mại Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu phải chủ động kết nối chặt với doanh nghiệp trong việc cung cấp thông tin, nhu cầu thị trường, ngành hàng mà doanh nghiệp có điều kiện phát triển.
Bộ Công Thương cũng đưa ra những khuyến cáo về rào cản kỹ thuật, các tiêu chuẩn bắt buộc đối với hàng hóa xuất khẩu để doanh nghiệp trong nước chủ động điều chỉnh, tránh trường hợp bị trả lại hàng, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp kiểm tra, giám sát việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từ đó giúp doanh nghiệp tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng hệ thống phân phối toàn cầu.