Theo ông Sebastian Eckardt, về tác động tới phân bổ thu nhập của thuế giá trị gia tăng, đặc biệt đối với người nghèo là rất quan trọng. Không giống như thuế thu nhập có tính chất lũy tiến, thuế giá trị gia tăng không phân biệt đối tượng nộp thuế và nó có tính chất lũy thoái.
Doanh nghiệp làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN |
Ông Sebastian Eckardt cũng chỉ ra một số điểm quan trọng trong dự thảo này, đó là các hộ gia đình giàu thường có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn và sử dụng nhiều hàng hóa đắt đỏ hơn nên họ trả phần lớn thuế giá trị gia tăng.
Ông Sebastian Eckardt cho rằng, lo ngại về tác động của dự thảo tới người nghèo là chính đáng, nhưng theo tính toán của WB thì 20% hộ gia đình nghèo nhất ở Việt Nam hiện chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế giá trị gia tăng, trong khi 20% hộ giàu nhất trả gần 40%. Như vậy, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng.
Tiếp đến là các hộ gia đình nghèo chi trả phần lớn hơn trong thu nhập của mình để tiêu dùng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm. Một giải pháp để giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo là giữ nguyên mức thuế suất thuế giá trị gia tăng ưu đãi cho các mặt hàng thiết yếu.
Điều này làm giảm tác động tiêu cực của việc tăng thuế đối với người nghèo và phù hợp với xu hướng cải cách thuế theo đề xuất của Bộ Tài chính. Ngân hàng Thế giới và Bộ Tài chính đang phối hợp thực hiện nhằm đánh giá tác động tới phân bổ thu nhập của đề xuất tăng thuế để có những điều chỉnh phù hợp trong thời gian tới.
Cùng với đó là tác động tới phân bổ thu nhập của việc tăng thuế giá trị gia tăng cần được đánh giá trong bối cảnh của hệ thống thuế và hệ thống phúc lợi, chứ không chỉ một sắc thuế riêng lẻ. Vấn đề đặt ra là liệu mức thuế suất thuế giá trị gia tăng thấp có phải là cách tốt nhất để đạt được mục tiêu hệ thống tài chính công bằng.
Ông Sebastian Eckardt cho rằng, biện pháp tốt hơn là sử dụng các biện pháp khác để hỗ trợ người nghèo. Về số thu, đề xuất của Bộ Tài chính đã bao gồm các cải cách thuế khác để tạo ra hệ thống thuế lũy tiến và công bằng hơn. Đơn cử như cải cách thuế thu nhập cá nhân khiến cho loại thuế này có tính chất lũy tiến hơn. Việc đề xuất áp dụng thuế tài sản cũng rất quan trọng và thường có tính chất lũy tiến,
Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam nên xóa bỏ các “lỗ hổng thuế” và ưu đãi miễn thuế thu nhập doanh nghiệp để đảm bảo khu vực doanh nghiệp cũng đóng góp ngân sách, đặc biệt khi mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay của Việt Nam cũng khá cạnh tranh.
Ngoài ra, cũng có nhiều cách để phân bổ lại cho các hộ nghèo trong chi ngân sách như: chi cho y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng...
“Vì vậy, nếu chúng ta xem xét đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh rộng hơn thì có thể giải quyết mối lo ngại về tác động tới phân bổ thu nhập của việc tăng thuế giá trị gia tăng”, ông Sebastian Eckardt cho biết.
Đối với tác động của việc tăng thuế giá trị gia tăng đối với lạm phát, theo ông Sebastian Eckardt, kinh nghiệm quốc tế cho thấy tác động của việc tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với lạm phát là tương đối hạn chế. Mặc dù việc tăng giá cao hơn xu hướng giá bình thường hoặc lạm phát có thể xảy ra “một lần”, nhưng thường không có tác động lâu dài đối với tỷ lệ lạm phát.
Phân tích của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, đề xuất trên sẽ dẫn đến tăng chỉ số CPI “một lần” trong khoảng từ 0,06 - 0,39%. Như vậy, trừ khi Chính phủ nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc tăng lương bất thường trùng với giai đoạn tăng thuế giá trị gia tăng thì lạm phát không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Đáng lưu ý ở giai đoạn này là lạm phát vẫn ở mức thấp nên đây là thời điểm tốt để thực hiện cải cách thuế như đề xuất của Bộ Tài chính...