Theo bài viết, năm 2020, Việt Nam đảm trách một lịch trình ngoại giao dày đặc khi cùng lúc đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên ASEAN và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Điều này đặt ra những thách thức đối với Việt Nam về mặt hậu cần, song trách nhiệm "ngoại giao kép" này cũng là cơ hội hiếm có để Hà Nội triển khai một chính sách đối ngoại được phối hợp tốt và đạt hiệu quả đối đa. Theo đó, Việt Nam nên tận dụng chương trình nghị sự của ASEAN ở giai đoạn toàn cầu tại LHQ, điều mà các chủ tịch ASEAN trước đây đã làm được và đạt thành công đáng kể.
Tiến sĩ Frederick Kliem cho rằng Việt Nam có thể cố gắng thiết lập hướng đi mới cho các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, gồm Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), và có những nỗ lực thúc đẩy các phương pháp liên ngành để phối hợp tốt hơn nhằm giải quyết những thách thức an ninh mới nổi trong các diễn đàn này.
Về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam thúc đẩy quan hệ đối tác cụ thể trong nội bộ ASEAN để phát triển bền vững nhằm tăng cường thương mại và đầu tư nội khối, và các biện pháp bền vững của ASEAN.
Về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), Việt Nam cố gắng nâng cao nhận thức về ASEAN bằng cách tăng cường an ninh xã hội cho các công dân ASEAN dễ bị tổn thương nhất, thúc đẩy các cơ chế hợp tác để chống lại tin giả và nêu ý tưởng để đặt biểu tượng ASEAN trên hộ chiếu.
Tiến sĩ Frederick Kliem khẳng định với vai trò ngày càng tích cực của Việt Nam trên vũ đài chính trị toàn cầu và trong ASEAN, cũng như môi trường khu vực đầy khó khăn và thách thức, sẽ có nhiều điều cần quan sát trong ASEAN năm 2020 và Việt Nam có vị thế tốt để đưa ASEAN tiến lên.