Đề cập về tính khả thi của Chương trình này, các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ quan điểm khá lạc quan, thậm chí kỳ vọng Nhà nước có thể tăng chi hơn nữa để tạo dư địa cho chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang được tiến hành hiện nay.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Một trong những ưu tiên quan trọng của Chính phủ và Quốc hội là đưa ra các giải pháp phù hợp giúp nền kinh tế tái phục hồi và cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trở lại để tạo đà cho sự tăng trưởng trong giai đoạn tới. Do thách thức của dịch COVID-19 khiến tốc độ suy giảm kinh tế trở nên rất rõ. Chương trình này tương đối toàn diện cùng với những chính sách về y tế giúp Việt Nam chủ động đối phó với đại dịch. Tuy nhiên, những chính sách an sinh xã hội, tài khóa, tiền tệ để kích thích nền kinh tế như: tiếp tục miễn, giảm thuế, phí cho doanh nghiệp; hỗ trợ lãi suất khoản vay qua các ngân hàng thương mại; hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo cùng các chương trình đầu tư về hạ tầng... đòi hỏi nguồn lực khá lớn.
Dự kiến cuối tháng 12/2021, Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt để thảo luận 5 nội dung; trong đó, có nội dung về chương trình chính sách tài khóa, tiền tệ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế mà Chính phủ đã trình lên. Cùng với đó, các chương trình quan trọng khác như: sửa 8 luật, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay hoặc thúc đẩy việc giải ngân vốn đầu tư công, thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân và giải quyết những rào cản đối với doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Đây là cơ hội có thể tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2022 và thời gian tới.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh
Các gói hỗ trợ, kích thích kinh tế nói riêng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nói chung cần được triển khai đủ mạnh, trúng và đúng. Chính phủ đặt ra mục tiêu nợ công năm 2022 từ 44 - 45% so với GDP là khả thi so với ước thực hiện năm 2021 là 43,7%. Việc kiểm soát lạm phát ở mức 4% là an toàn cho trần nợ công khoảng 60% GDP. Do vậy, chúng ta còn nhiều dư địa để tiếp tục nghiên cứu và tung ra các gói kích thích đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để thúc đẩy và phục hồi nền kinh tế mà vẫn bảo đảm kiểm soát được chỉ tiêu vĩ mô.
Chính phủ đang tính tới gói hỗ trợ lên tới 10% GDP. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra và lưu ý là làm sao quản trị được rủi ro từ các chính sách. Đồng thời, thực hiện đúng đối tượng và trúng mục tiêu. Nhiều đánh giá cho rằng, nếu thực thi tốt Chương trình này, kinh tế có thể được hỗ trợ thêm từ 1 - 1,5 điểm %.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế
Về cơ bản, tôi đánh giá cao những nội dung đề xuất của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, các chính sách đưa ra cần đủ liều lượng, nguồn lực phải đủ lớn và thời gian triển khai đủ dài.
Bên cạnh đó, việc triển khai xuống cấp cơ sở phải đúng và trúng đối tượng chứ không nên dàn trải. Bởi trong dịch bệnh, đây là cú sốc kinh tế ngắn hạn khiến cho kinh tế dẫu có phục hồi cũng sẽ theo hình chữ K. Nghĩa là có những lĩnh vực phát triển rất tốt như: thương mại điện tử, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, chứng khoán, sắp thép... nhưng cũng có những ngành gặp khó khăn như: vận tải, du lịch, khách sạn, bán lẻ, lưu trú, ăn uống... Do vậy, không thể triển khai hỗ trợ một cách đại trà.
Ngân sách Nhà nước giới hạn nên Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phải phù hợp với năng lực thực tế mới có tính khả thi. Kể cả gói hỗ trợ tiền tệ cũng từ ngân sách vì gói hỗ trợ tiền tệ chung thường gồm ba cấu phần: bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất và các chương trình tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Chính vì lẽ đó khi đưa ra các gói hỗ trợ phải tính toán tới khả năng hấp thụ của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; trong đó, bao gồm các gói hỗ trợ cần đáp ứng những tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài và bao trùm mới mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong ngắn hạn, mục tiêu của chính sách tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên cần ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, nhất là lao động tự do, lao động không chính thức... hay tập trung hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, hướng vào các ngành có sức ảnh hưởng và tác động lan tỏa để giúp họ có khả năng phục hồi nhanh sau đại dịch. Trong đó, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các khoản trợ cấp trực tiếp.
Điều quan trọng là xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn. Bởi gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế của Việt Nam chưa đến 3% GDP nên hoàn toàn có thể nâng lên từ 5 - 7% GDP.
Về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách tài khóa cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp; từ hỗ trợ tài chính sang hỗ trợ cơ chế; từ hỗ trợ số nhiều sang số ít đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng lâu dài bởi đại dịch. Từ đó, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ở thời điểm này là rất cần thiết và phải được gấp rút triển khai. Vừa qua, việc triển khai Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 hay Quyết định 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng được xem là những “phao cứu sinh” cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, "liều thuốc" đó vẫn chưa đủ trong bối cảnh hiện nay trước những thách thức của dịch bệnh. Để thúc đẩy doanh nghiệp và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục ban hành các gói hỗ trợ cho người lao động, kéo dài thời gian giãn, hoãn thuế, miễn tiền chậm nộp. Với bảo hiểm xã hội, nếu chỉ cho doanh nghiệp tạm ngừng đóng, nhưng về bản chất doanh nghiệp vẫn nợ và khi hoạt động trở lại phải đóng gộp sẽ càng nặng nề về chi phí. Do đó, cần có chính sách cởi mở hơn trong lĩnh vực này để giảm nhẹ gánh nặng cho doanh nghiệp.