Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng Phòng nghiên cứu kinh tế (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) xung quanh vấn đề này.
Điểm sáng đáng chú ý của kinh tế vĩ mô trong 8 tháng năm nay đến từ khu vực FDI, ông đánh giá ra sao về vấn đề này?
Số liệu tích cực từ dòng vốn FDI đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Các giải pháp quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong những tháng đầu năm đã mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp triển khai giải ngân vốn đầu tư.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/8, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 13,1 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022. Có thể nói, động thái thu hút FDI trong 8 tháng năm nay đã có sự đảo chiều tích cực, chấm dứt giai đoạn suy giảm liên tục 4 năm từ 2019 - 2022, chuyển sang tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tính lũy kế đến ngày 20/8, Việt Nam có 38.084 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục có xu hướng cải thiện hơn theo từng tháng so với các tháng đầu năm. Số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng duy trì mức tăng so với cùng kỳ, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài về cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư... như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai… Các nhà đầu tư đến từ Châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn như: Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan.
Kết quả ấn tượng này được hội tụ từ nhiều nguyên nhân, trước hết và quan trọng nhất là Việt Nam liên tục được cộng đồng thế giới ghi nhận về sự ổn định chính trị, tăng trưởng tích cực về kinh tế; nỗ lực thực hiện chính sách ngoại giao đa phương, hoà bình, làm bạn với tất cả các nước, giữ cân bằng giữa các nước lớn; không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hài hoà lợi ích, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế và đáp ứng các thông lệ tốt trên thế giới về khuyến khích và bảo hộ lợi ích các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, tác động của FDI trong việc cải tiến khoa học - công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và nhiều sự cố môi trường xảy ra do hoạt động xả thải của các doanh nghiệp FDI trong những năm qua cho thấy tác động tiêu cực của việc thu hút FDI ở Việt Nam.
Thưa ông, sự cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực đang làm xuất hiện xu hướng dịch chuyển một phần nào đó dòng chảy FDI (trước hết là trong lĩnh vực dệt may và da giầy) từ Việt Nam sang các nước khác. Theo ông, Việt Nam cần có các giải pháp nào để có lợi thế trong môi trường cạnh tranh thu hút FDI?
Theo kết quả khảo sát mới nhất năm 2023 của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam), 88% số người tham gia khảo sát tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam và 91% các nhà đầu tư Đức mong muốn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và khoảng 40% trong số này có kế hoạch bổ sung lực lượng lao động trong 12 tháng tới.
Tuy nhiên trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Đức vẫn thận trọng do quan ngại về chính sách phát triển kinh tế, thiếu hụt lao động có tay nghề và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng, lạm phát, xu hướng tách rời sự phụ thuộc của các nền kinh tế lớn và sự ảnh hưởng chính trị ngày càng gia tăng lên đến chuỗi cung ứng, nhu cầu toàn cầu thấp...
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực đang làm xuất hiện xu hướng dịch chuyển một phần nào đó dòng chảy FDI vì nhiều lý do, trong đó có tình trạng mất sức cạnh tranh về lương công nhân và sự thua kém về đáp ứng yêu cầu xuất xanh và phát thải ròng các bon bằng 0 trong chuỗi cung ứng... Hiện mức lương bình quân của công nhân may mặc ở Bangladesh chỉ là 120 USD/tháng, thấp hơn hẳn ở Việt Nam. Đặc biệt, một trong những vấn đề nóng nổi bật trong thu hút FDI trên thế giới cũng như ở Việt Nam là vấn đề ưu đãi thuế trong bối cảnh thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15%...
Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI (trước hết là thời hạn visa doanh nghiệp, thủ tục và chi phí tuân thủ về cấp phép đầu tư, đăng ký thành lập doanh nghiệp, kiểm tra - giám sát hải quan, giá thuê đất khu công nghiệp và loại bỏ các chi phí không chính thức...) nhằm hướng mạnh FDI vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần hình thành hệ sinh thái hỗ trợ thực chất chuỗi các nhà cung ứng nội địa nâng cao năng lực quản trị hiện đại, cải tiến liên tục (Kaizen) và phát triển ổn định, bền vững, sản xuất sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn thế giới (như Mỹ, Anh, châu Âu…); nỗ lực tiến tới cung ứng sản phẩm mang thương hiệu của mình để vừa có lợi nhuận cao, vừa nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc, tự hào thương hiệu Việt.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều biến đổi, theo ông, liệu có những rủi ro hoặc thách thức gì có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới?
Rủi ro và thách thức lớn nhất có lẽ là viễn cảnh FDI toàn cầu ngày càng “phân mảnh” sâu sắc theo các khối liên minh; nói cách khác, dấu ấn địa lý của FDI tỷ lệ thuận với xu hướng liên kết địa chính trị hiện nay, thể hiện qua tỷ trọng FDI giữa các nền kinh tế có liên kết địa chính trị đã không ngừng tăng lên, vượt trội so với tỷ trọng FDI giữa các nước gần gũi thuần túy về mặt địa lý.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trong các nguyên nhân sâu xa khiến dòng vốn FDI vào Việt Nam suy giảm được chỉ ra, còn có những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, đến năng lực hấp thụ và sự chuẩn bị sẵn sàng để đón dòng vốn lớn, bao gồm cả về đất đai, nhân lực, hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ…
Về dài hạn, đây là cơ hội rất tốt để Việt Nam tái cấu trúc chiến lược thu hút FDI, từ mô hình kinh tế truyền thống chuyển sang kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh và bền vững, tạo cơ sở hướng tới những dự án tỉ đô trong tương lai. Song trước mắt, để duy trì lợi thế ưu đãi, Việt Nam cần nghiên cứu và sớm đưa ra giải pháp hỗ trợ ngoài thuế cho doanh nghiệp FDI...
Việt Nam cũng cần xác định lại các lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn mới, không chỉ dựa vào giá nhân công rẻ, nguồn lao động dồi dào mà còn là các yếu tố mới như tay nghề công nhân, cơ sở hạ tầng, thân thiện với môi trường, mức độ làm quen với các dự án công nghệ và yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ, nguồn gốc xuất sứ...; có định hướng chọn lọc các dự án FDI kỹ càng hơn, nâng cao các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải để hướng tới phát triển bền vững và tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu, cũng phần nào tác động đến dòng vốn FDI…
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đang nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ thay thế những ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng khi Việt Nam triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%; đồng thời, nghiên cứu quyền đánh thuế bổ sung các dự án đầu tư trực tiếp của Việt Nam ra nước ngoài nếu thuộc diện áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và đang được hưởng mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%.
Về nguyên tắc, việc hỗ trợ doanh nghiệp khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu được thực hiện bằng cách Chính phủ dùng các khoản thu thuế tối thiểu đó để hỗ trợ lại doanh nghiệp cho nghiên cứu và phát triển, đầu tư trang thiết bị, sản xuất công nghệ cao dựa trên đặc điểm, tính chất, tiêu chuẩn của từng loại hình doanh nghiệp (ví dụ, Ấn Độ có chính sách hỗ trợ một khoản tiền nhất định theo mỗi sản phẩm sản xuất bán ra). Do vậy, Việt Nam cần sớm ban hành chính sách về triển khai thuế tối thiểu toàn cầu và tiến hành luật hóa các chính sách cụ thể có liên quan.
Trong đó, tập trung xây dựng và áp dụng quy trình - thủ tục kê khai thuế tối thiểu toàn cầu theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD); làm rõ đối tượng, phạm vi và phương thức, mức độ hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng; đồng thời, tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực công tác quản lý thuế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đáp ứng tính chất cạnh tranh ngày càng phức tạp, tinh vi, có tính hội nhập cao và xuyên biên giới.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!