Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển logistics.
Theo đó, ngành logistics Việt Nam cũng đã tích cực triển khai chuyển đổi số theo chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 ban hành tại Quyết định Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Một số doanh nghiệp logistics lớn đã thực hiện chuyển đổi số từ cấp độ 3 trở lên như Tân Cảng Sài Gòn, các công ty cảng thuộc hệ thống Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Viettel Post, Vietnam Post, Gemadept, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam điển hình như DHL, Fedex... Tuy nhiên, ngành logistics trên phạm vi cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.
Theo tính toán của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 16,8 -17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung 10,6% của thế giới. Hạ tầng logisic còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết. Quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có các càng đầu mối, các trung tâm logistics lớn quy mô khu vực và quốc tế...
Nguyên nhân do sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải thủy còn thấp. Vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tài phổ biến nhất, khi chiếm đến 73% sản lượng hàng hóa vận chuyển trong 9 tháng năm 2023. Tiếp đó, vận tải đường thủy nội địa với 21,6% tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển trong khi vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2% tổng sản lượng, vận tải đường sắt và đường hàng không vẫn ở mức rất thấp lần lượt là 0,2% và 0,01%. Điều này làm cho chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố năm 2023, đà tăng điểm của Việt Nam đã chậm lại và Việt Nam bị tụt 4 bậc trên bảng xếp hạng, rơi xuống vị trí thứ 43 so với vị trí 39 đã đạt được vào năm 2018.
Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, bên cạnh sự cải thiện của các yếu tố về hạ tầng, hải quan và gửi hàng quốc tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế ở các yếu tố về năng lực của nhà cung ứng dịch vụ logistics thể hiện ở các chỉ số chất lượng dịch vụ logistics, tính đúng giờ và khả năng theo dõi hàng hóa. Chuyển đổi số của hầu hết doanh nghiệp logistic vẫn ở trong giai đoạn đầu và chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, để phù hợp với xu thế chung của thế giới và yêu cầu phát triển, Việt Nam đang tích cực thực hiện hai quá trình chuyển đổi quan trọng, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Theo đó, chuyển đổi số được coi là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước cũng như của các ngành, các lĩnh vực, trong đó có ngành logistic. Đồng thời, chuyển đổi số cũng sẽ giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị diễn đàn lần này tập trung thảo luận phân tích, làm rõ thực trạng phát triển logistics năm 2023 của Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số trên phạm vi chung cả nước và phạm vi cùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó, làm rõ các kết quả đạt được, hạn chế tồn tại trên các khía cạnh như: hạ tầng logistics, các dịch vụ logistics, năng lực doanh nghiệp logistic, hoạt động logistic tại doanh nghiệp.. hay về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển logistics.
Bên cạnh đó, diễn đàn cần làm rõ tình hình thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistic của Việt Nam, phân tích sâu về kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng trong ngành logistics như: Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các kết luận của Bộ Chính trị về phát triển các hạ tầng logistic.
Đồng thời, qua diễn đàn nhận diện, đánh giá làm rõ về thực trạng liên kết vùng trong phát triển logistic, việc triển khai xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn tại các đô thị theo chủ trương của Đảng và các đề án liên quan của cấp có thẩm quyền; trao đổi về các mô hình mới, cách làm hay trong phát triển logistic của các địa phương và các đề xuất kiến nghị với Trung ương, các ban, bộ ngành. Trong bối cảnh mới tác động đến phát triển ngành logistic Việt nam thời gian tới, tập trung đề xuất kiến nghị về hoàn thiện chủ trương, đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách cho thúc đẩy phát triển logistics tại Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 của Việt Nam đạt 558,33 tỷ USD với con số xuất siêu kỷ lục 24,59 tỷ USD. Việt Nam cũng lọt Top 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới với tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics được dự báo đạt mức 5,5%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu và trong nước gặp nhiều khó khăn do những bất ổn về kinh tế, chính trị.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương , Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản cá xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước. Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2023 với chủ đề "Logistics và chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long", Bộ Công Thương mong muốn ghi nhận những ý kiến, giải pháp của các bộ ngành, doanh nghiệp, địa phương để tìm ra những định hướng giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn tận dụng tối ưu những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics Việt Nam đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics của Cần Thơ đạt từ 10 - 15%/năm. Thành phố đang kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảng, trung tâm logistics, góp phần đưa thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế vùng và hiện đại, là một mắt xích quan trọng trung chuyển hàng hóa của khu vực.
Tuy nhiên, hoạt động logistics của Cần Thơ vẫn còn một số hạn chế như cụm cảng biển Cần Thơ chưa khai thác hiệu quả do hệ thống kho bãi, hậu cần logistics chưa được đầu tư đồng bộ. Luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu khai thác hoàn chỉnh cho tàu tải trọng từ 10.000 đến 20.000 tấn. Phần lớn hàng hóa xuất khẩu phải chuyển tải bằng đường bộ về các cảng lớn ở Tp. Hồ Chí Minh và cảng Cái Mép, khiến chi phí vận tải doanh nghiệp phải gánh cao hơn từ 10 - 40% tùy từng tuyến…
Cũng theo Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Cần Thơ cũng chưa có nhiều doanh nghiệp lớn chuyên về dịch vụ logistics trên địa bàn; khả năng cung ứng chuỗi dịch vụ logistics yếu; chi phí logistics cao, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa. Hơn nữa, thành phố chưa có những công ty logistics nước ngoài tham gia thị trường cung cấp dịch vụ tại đồng bằng sông Cửu Long, chỉ có số ít các công ty trong nước, chủ yếu là các doanh nghiệp từ Tp. Hồ Chí Minh.
Với việc Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2023 được tổ chức ở Cần Thơ, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết đây là dịp để các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi và thảo luận về phương pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển logistics trong thời gian tới. Đồng thời đây cũng là cơ hội để thành phố Cần Thơ có thể nắm bắt, tiếp nhận những tư tưởng mới, ý kiến mới tham khảo trên các kinh nghiệm thực tiễn tốt, khuyến nghị chính sách nhằm phát huy hơn nữa các lợi thế, nâng cao vai trò dịch vụ logistics trong cơ cấu kinh tế của thành phố, tăng cường kết nối và tạo sự lan tỏa trong khu vực.
Ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, điểm nghẽn lớn nhất cản trở phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long là hệ thống logistics khi chi phí chiếm đến 30% giá thành sản xuất. Hệ thống logistics thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế.
"Đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu, thiếu các trung tâm logistics trọng điểm cùng các trung tâm vệ tinh cũng như các đơn vị kiểm định an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn... Cùng với đó, phần lớn hoạt động logistics mới chỉ dừng lại ở từng hoạt động riêng lẻ nên thường gây ra chậm trễ, phát sinh chi phí cao", Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam nói.
Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cho rằng, các địa phương, khục vực cần tăng cường và cải thiện cơ sở hạ tầng logistics (kho bãi và vận chuyển) theo hướng chuyên môn hóa các công đoạn. Đồng thời, tăng cường vận tải đa phương thức và phát triển dịch vụ vận tải hàng không air cargo để tăng thời hạn sử dụng cho hàng nông thủy sản xuất khẩu; đầu tư hệ thống nhà kho, kho thông minh kết hợp công nghệ bảo quản hiện đại đáp ứng nhu cầu lưu giữ kết hợp với đóng gói hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp cần tranh thủ chủ trương, chính sách về liên kết vùng để tạo sự kết nối thực chất về nguồn hàng và hoạt động logistics. Nghiên cứu mở thêm tuyến giao thông đường thủy kết nối Đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và khu vực Cái Mép - Thị Vải sẽ tạo thuận lợi lớn cho việc xuất nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đến thẳng châu Âu và Hoa Kỳ như thủy hải sản, nông sản… Thêm nữa, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý với các hiệp hội ngành nghề, đặc biệt là các hiệp hội logistics cần tăng cường hợp tác, phối hợp để có thể tạo giá trị gia tăng cho hàng hóa, giảm chi phí thông qua tối ưu hóa các dịch vụ logistics.
Theo thống kê của Hiệp hội Logistics Việt Nam, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến nay mới có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm 4,39% cả nước; trong đó, doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.