Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa Bộ trưởng, thời gian qua hoạt động chỉ đạo, điều hành trong chuyển đổi số của ngành tài chính đã diễn ra như thế nào?
Sau 3 năm triển khai các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Chính phủ về chuyển đổi số, có thể nói chuyển đổi số đã tạo ra sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức xử lý công việc và quản lý, chỉ đạo, điều hành của hầu hết các đơn vị trong ngành tài chính. Đến nay phần lớn các hoạt động chỉ đạo, điều hành tại Bộ Tài chính đã được thực hiện trên môi trường số.
Là bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực và đều là các lĩnh vực quan trọng, ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, với từng lĩnh vực cụ thể như thuế, hải quan, quản lý ngân sách, kho bạc…, Bộ Tài chính đã và đang dần hình thành các kho Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và xây dựng các hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin tác nghiệp phục vụ cho chỉ đạo, điều hành.
Hiện nay, hầu hết mọi lĩnh vực trong ngành tài chính về cơ bản đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc chỉ đạo điều hành trên môi trường số đã có sự chuyển biến rõ rệt qua từng giai đoạn. Một mặt xuất phát từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Chính trị, Chính phủ, một mặt xuất phát từ việc chủ động đổi mới tư duy, nhận thức của các cấp lãnh đạo ngành tài chính. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi nêu trên, việc triển khai chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, đặc biệt là về nguồn nhân lực và kinh phí triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số.
Bộ trưởng có thể nói rõ hơn quá trình chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của ngành tài chính?
Trong quản lý thuế, Bộ Tài chính đã xây dựng phần mềm tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và triển khai trên toàn quốc từ ngày 21/4/2022. Đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Tính đến ngày 17/11/2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,79 tỷ hóa đơn; trong đó có hơn 1,66 tỷ hóa đơn có mã, 4,12 tỷ hóa đơn không mã. Về triển khai hóa đơn từ máy tính tiền, tính đến tháng 11/2023 có 36.391 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 62,17 triệu hóa đơn. Tổng số tiền thuế 3.740 tỷ đồng, tổng doanh thu 88.636 tỷ đồng.
Cơ quan hải quan đã tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi, góp phần đơn giản hóa thủ tục hải quan và giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cán bộ hải quan, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; phối hợp với 13 Bộ, ngành để thực hiện 250 thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia...
Trong quản lý ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã triển khai thành công Kho dữ liệu ngân sách nhà nước với mục tiêu chuẩn hóa dữ liệu, tổng hợp dữ liệu, tạo lập mô hình, phương thức khai thác báo cáo dữ liệu và phân tích dữ liệu đáp ứng yêu cầu về thông tin ngân sách nhà nước phục vụ quản lý, điều hành của Bộ Tài chính và cơ quan tài chính các cấp, cung cấp các chỉ tiêu quan trọng như tổng thu cân đối ngân sách nhà nước/dự toán được giao, cơ cấu theo các khoản thu (nội địa, dầu thô, viện trợ, xuất nhập khẩu), thu ngân sách theo Trung ương, địa phương... Theo đó giúp lãnh đạo Bộ theo dõi, kịp thời ban hành, điều chỉnh các chính sách để đảm bảo tăng thu ngân sách nhà nước, đạt kế hoạch được giao trong năm, quản lý tài khóa hiệu quả.
Trong lĩnh vực kho bạc, Bộ Tài chính đã triển khai thành công Chương trình Quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua Kho bạc Nhà nước (ĐTKB-GD), giúp các đơn vị kiểm soát chi đầu tư một cách chặt chẽ, dữ liệu được chuẩn hóa, quản lý thống nhất trên một ứng dụng duy nhất là ĐTKB-GD. Hệ thống được kết nối, liên thông với các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống quản lý ngân sách và Kho bạc - TABMIS,... và được đồng bộ sang hệ thống Tổng hợp báo cáo chi đầu tư, giúp công tác tổng hợp báo cáo chi đầu tư một cách chính xác, kịp thời với độ trễ tổng hợp báo cáo được rút ngắn từ hàng tuần trước đây xuống còn hàng ngày. Điều này giúp lãnh đạo Bộ Tài chính đưa ra các quyết định chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch chi ngân sách nhà nước đảm bảo tiết kiệm hiệu quả, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều chương trình, hệ thống ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành nội bộ như đưa chương trình quản lý văn bản điều hành vào vận hành và luân chuyển văn bản điện tử trong ngành tài chính, thực hiện ký số từ cấp Lãnh đạo đến cấp chuyên viên; thử nghiệm (UAT) thành công hệ thống Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính; trong đó có hợp phần Báo cáo định kỳ được xây dựng theo quy định tại Nghị định 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 của Chính phủ quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính Nhà nước.
Dự kiến đến cuối năm 2024, đầu năm 2025, Bộ Tài chính sẽ triển khai vận hành chính chức Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính trên nền tảng hợp phần đã thử nghiệm với hơn 44 chế độ báo cáo thuộc đầy đủ các lĩnh vực trọng yếu của ngành tài chính như ngân sách nhà nước, quản lý giá, đầu tư công, quản lý hải quan ...
Chúng tôi cũng đã triển khai và thử nghiệm các nền tảng họp trực tuyến bao gồm giải pháp hội nghị truyền hình và giải pháp phần mềm qua internet giúp tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển đi lại của các cán bộ, tăng tính cơ động cho các cán bộ khi có thể họp mọi lúc mọi nơi..
Vậy trong năm 2024, ngành tài chính sẽ có kế hoạch cụ thể như thế nào để quá trình chuyển đổi số đạt được kết quả tốt nhất, thưa Bộ trưởng?
Năm 2024, để việc chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành được toàn diện, Bộ Tài chính đặt mục tiêu chuyển đổi số trên 3 phương diện gồm con người, thể chế và công nghệ.
Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Kế hoạch chuyển đổi số năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ mục tiêu:"Đến năm 2030 hình thành hệ sinh thái Tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin". Từ nay đến hết năm 2025, Bộ Tài chính sẽ tập trung nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu đào tạo, tập huấn, tuyên truyền chính sách về chuyển đổi số cho 100% cán bộ ngành Tài chính để nâng cao nhận thức, nắm rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động nghiệp vụ, đặc biệt là nâng cao năng lực quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu số.
Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đối với các lĩnh vực quản lý nhằm tiến tới mục tiêu mọi hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số.
Đồng thời, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức có liên quan; tập trung triển khai các nền tảng số chuyên ngành do Bộ Tài chính quản lý gồm thuế điện tử, hóa đơn điện tử, cửa khẩu số, cảng biển số …
Từ đó phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!