Thưa ông, là Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế quốc gia, Bộ Tài chính đã và đang dần hình thành các kho cơ sở dữ liệu chuyên ngành và xây dựng các hệ thống, ứng dụng công nghệ thông tin tác nghiệp. Đến nay, kết quả chỉ đạo thực hiện trên môi trường số của Bộ ra sao?
Trong công tác quản lý thuế, đối với phần mềm tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử và triển khai trên toàn quốc, đến nay, 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Số lượng hóa đơn điện tử mà cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý hiện nay là hơn 5,79 tỷ hóa đơn, trong đó có hơn 1,66 tỷ hóa đơn có mã, 4,12 tỷ hóa đơn không mã. Về triển khai hóa đơn từ máy tính tiền, có 36.391 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 62,17 triệu hóa đơn (tổng số tiền thuế là 3.740 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt 88.636 tỷ đồng).
Cơ quan hải quan tiếp tục triển khai hiệu quả Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi, góp phần đơn giản hóa thủ tục hải quan và giảm tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cán bộ hải quan, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Nhờ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đến nay, đã có trên 99% thủ tục hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh; phối hợp với 13 Bộ, ngành để thực hiện 250 thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành với trên 6,67 triệu bộ hồ sơ của hơn 64,7 nghìn doanh nghiệp đã được xử lý thông qua Cơ chế một cửa Quốc gia.
Trong công tác quản lý ngân sách Nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính đã triển khai thành công Kho dữ liệu NSNN với mục tiêu chuẩn hóa dữ liệu, tổng hợp dữ liệu, tạo lập mô hình, phương thức khai thác báo cáo dữ liệu và phân tích dữ liệu đáp ứng yêu cầu về thông tin ngân sách Nhà nước phục vụ công tác quản lý, điều hành của Bộ Tài chính và cơ quan tài chính các cấp, cung cấp các chỉ tiêu quan trọng như: Tổng thu cân đối NSNN/dự toán được giao, cơ cấu theo các khoản thu (nội địa, dầu thô, viện trợ, xuất nhập khẩu), thu ngân sách theo Trung ương, địa phương… Theo đó, giúp lãnh đạo Bộ theo dõi, kịp thời ban hành, điều chỉnh các chính sách để đảm bảo tăng thu NSNN, đạt kế hoạch được giao trong năm, quản lý tài khóa hiệu quả.
Bộ Tài chính đã triển khai thành công Chương trình Quản lý, kiểm soát chi đầu tư qua Kho bạc Nhà nước (KBNN), giúp các đơn vị kiểm soát chi đầu tư một cách chặt chẽ, dữ liệu được chuẩn hóa, quản lý thống nhất trên ứng dụng duy nhất là Chương trình Kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN (ĐTKB-GD).
Dự kiến cuối năm 2024, đầu năm 2025, Bộ Tài chính sẽ vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Tài chính trên nền tảng hợp phần đã thử nghiệm với hơn 44 chế độ báo cáo thuộc đầy đủ các lĩnh vực trọng yếu của ngành Tài chính như: NSNN, quản lý giá, đầu tư công, quản lý hải quan...
Chúng tôi cũng đã triển khai và thử nghiệm các nền tảng họp trực tuyến bao gồm giải pháp hội nghị truyền hình và giải pháp phần mềm qua Internet giúp tiết kiệm thời gian, chi phí di chuyển đi lại của các cán bộ, tăng tính cơ động cho các cán bộ khi có thể họp mọi lúc mọi nơi.. Năm 2024, để việc chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành được toàn diện, Bộ Tài chính đặt mục tiêu chuyển đổi số trên 03 phương diện: Con người; thể chế; công nghệ.
Bộ Tài chính sẽ tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đối với các lĩnh vực quản lý nhằm tiến tới mọi hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số; đồng thời, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, tổ chức có liên quan; tập trung triển khai các nền tảng số chuyên ngành do Bộ Tài chính quản lý gồm: Thuế điện tử, Hóa đơn điện tử, Cửa khẩu số, Cảng biển số …
Năm 2024, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục có những giải pháp gì để hỗ trợ kênh dẫn vốn quan trọng này?
Mặc dù đứng trước nhiều biến động do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chính trị thế giới, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn cho thấy vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Tổng mức huy động vốn qua TTCK năm 2023 có sự tăng trưởng cả về giá trị đăng ký phát hành và giá trị thực tế phát hành so với năm 2022.
Chúng tôi cho rằng, dư địa huy động vốn của doanh nghiệp qua TTCK vẫn còn lớn. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) rà soát tổng thể khung pháp lý về chứng khoán và TTCK để tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên thị trường.
Các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình cũng đang được Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan xúc tiến nhằm hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Riêng đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, quản lý giám sát để vừa ổn định, khôi phục niềm tin của thị trường TPDN, vừa chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm để thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả.
Trong năm qua, các chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư, giãn áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn.
Thưa Bộ trưởng, vấn đề khó khăn đặt ra năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Theo ông, năm 2024, Bộ Tài chính sẽ thận trọng, linh hoạt các chính sách điều hành này ra sao?
Dự báo năm 2024, khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Trong khi đó nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tài chính hết sức nặng nề. Dự toán thu NSNN là 1,7 triệu tỷ đồng; dự toán chi NSNN là 2,1 triệu tỷ đồng; bội chi NSNN là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP.
Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh đó, mục tiêu lớn của ngành Tài chính là xây dựng và tổ chức điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn lực thực hiện nhanh các công trình đầu tư hạ tầng quan trọng, kết nối vùng và liên vùng; chính sách cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội gắn với đẩy mạnh sắp xếp và tinh gọn bộ máy.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Tài chính sẽ thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ; tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm giữ vững nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế, xã hội.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu ngân sách theo hướng tạo thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế, đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; quyết liệt công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế...
Đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Bên cạnh đó, thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến...
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!