Cụ thể: Dưới sự chỉ đạo của NHNN, Vụ Thanh toán NHNN và Thời báo Ngân hàng sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức chuỗi sự kiện “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng” sẽ diễn ra vào ngày 8/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc Gia (Hà Nội).
Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”, có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày "Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023".
Chủ đề này khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN; đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu tại Chương trình “Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số.
Năm 2023, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, chuẩn hóa cũng như thu thập, mở rộng thêm cơ sở dữ liệu khách hàng.
Với cơ sở dữ liệu đã được chuẩn hóa, làm sạch sẽ giúp ngân hàng khai thác hiệu quả trong cung ứng sản phẩm dịch vụ an toàn, tiện ích, phục vụ nhu cầu cá nhân hóa và đơn giản hóa quy trình, tăng hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, tích hợp mở rộng kết nối, phát triển hệ sinh thái và khai thác, xử lý hiệu quả dữ liệu số đã và đang là xu hướng phát triển dịch vụ ngân hàng hiện đại (ngân hàng mở, ngân hàng hợp kênh...) tại nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới mục tiêu đa dạng cung ứng sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo cho khách hàng đi đôi với tăng cường an ninh, an toàn bảo mật.
Đại diện NHNN cho biết: Về khuôn khổ pháp lý, NHNN đã nghiên cứu, ban hành và triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngành ngân hàng. Từ năm 2020 - 2022, NHNN xếp thứ hạng cao trong các Bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số.
Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...). Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Đến nay, có khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt tỷ lệ tăng trưởng khá: Giao dịch TTKDTM tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.
Tính đến nay, có 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 58 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy; 14 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: mở tài khoản thanh toán; xác thực giao dịch thanh toán; đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 7 TCTD đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tin.
Hiện có 23 TCTD đã ký kết với C06 (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an) triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline.