Đến nay đã có 28% tổng công suất phát, công suất nguồn đến từ các doanh nghiệp tư nhân dưới các hình thức đầu tư đa dạng, có hiệu quả. Dư luận xã hội đánh giá cao Bộ Công Thương trong đề xuất một số cơ chế, chính sách mới về năng lượng sạch như cơ chế giá cho điện mặt trời (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg); cơ chế giá cho điện gió (Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg).
Những chính sách này không chỉ chứng minh tính đúng đắn trong đa dạng hóa các loại hình năng lượng, ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch, mà còn cho thấy tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển ngành điện.
Quyết định 11 và Quyết định 39 là những thí điểm Bộ Công Thương đã triển khai tốt, vậy nên Bộ sẽ bám sát theo tinh thần Nghị quyết 55 để tham mưu cho Chính phủ có những quyết sách phù hợp, tạo nên bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia, đồng thời giải quyết bài toán cân đối cung cầu năng lượng trong thời gian tới.
Việt Nam hiện đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc phát triển bền vững đất nước gắn chặt với an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, bảo đảm nhu cầu về năng lượng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và không ngừng cải thiện đời sống nhân dân có ý nghĩa và vai trò đặc biệt quan trọng.
Kế thừa các quan điểm và tầm nhìn xuyên suốt, đúng đắn trong phát triển năng lượng nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều nội dung mới phù hợp với bối cảnh, tình hình và yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.
Để triển khai và đưa Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào cuộc sống, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Đảng ủy Bộ Công Thương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động để tất cả đều nắm được đầy đủ tinh thần ý nghĩa, phạm vi, nội dung cũng như các khía cạnh cụ thể trong Nghị quyết, nhất là những vấn đề tác động và tiếp tục đặt ra những nhiệm vụ mới trong lĩnh vực liên quan.
Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, hiện nay Bộ Công Thương đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết.
Đặc biệt, với một số nhiệm vụ cần triển khai sớm, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu quan điểm, định hướng, các nguyên tắc cơ bản trong Nghị quyết để áp dụng như việc xây dựng Quy hoạch điện VIII, điều chỉnh Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh.
Quan điểm chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương là việc hiệu chỉnh sơ đồ điện VII phải trúng và bám sát theo yêu cầu cũng như theo định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55-NQ/TW. Đặc biệt trong những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành điện, nguồn điện rồi việc đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, yêu cầu lớn đảm bảo cơ chế chính sách để tạo ra đột phá cho sự phát triển không chỉ ngành năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng khí, năng lượng tái tạo mà ngay cả khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.