Chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Bài 2: Để giá lúa không phụ thuộc vào thị trường

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là chính sách đúng đắn. Đây là giải pháp nhằm giữ giá lúa không xuống thấp trong thời điểm thu hoạch rộ, nông dân bán lúa vẫn có lãi. Nhưng, để chính sách này hiệu quả hơn, từ nhà khoa học đến doanh nghiệp, chính quyền địa phương đều đề xuất thêm những phương án mới trong chương trình tạm trữ, để giá lúa không phụ thuộc vào thị trường thế giới và đảm bảo nông dân có lãi hơn 30%. 

Thu mua lúa tại xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương - TTXVN


Thu mua lúa trực tiếp của nông dân 

Ngoài việc bình ổn giá lúa, chương trình cũng góp phần vào vấn đề an ninh lương thực trong nước. Nhưng nông dân sản xuất không đồng loạt, có nơi xuống giống sớm, và có nơi xuống giống muộn, tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và thời tiết. Chính vì thế, mỗi vụ thu hoạch diễn ra không đồng loạt, cũng có nơi thu hoạch trước và thu hoạch sau. Còn chương trình tạm trữ được ban hành trong thời gian nhất định. Đây chính là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, thu mua lúa nông dân, nhưng chỉ hưởng một phần nhỏ hỗ trợ tạm trữ. 

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông trường Cờ Đỏ chia sẻ, lúc nông dân bắt đầu thu hoạch rộ, Cờ Đỏ thu mua trực tiếp của nông dân. Đến khi hoàn thành thu mua lúa mới nhận được chỉ tiêu tạm trữ. Như vậy chính sách này chưa đi vào thực tiễn cuộc sống. Ông Khải mong muốn, với những doanh nghiệp mua lúa trực tiếp của nông dân, thì lượng lúa đó được hưởng hỗ trợ tạm trữ với lãi suất bằng 0, để làm chất xúc tác cho doanh nghiệp hăng hái mua lúa trực tiếp của nông dân đúng thời kì thu hoạch rộ. Hơn nữa, những doanh nghiệp này cũng không chịu áp lực từ các đối tác nước ngoài, tránh bị ép giá trong thời điểm thu hoạch rộ. 

Bên cạnh đó, ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An cho rằng, chính sách tạm trữ 1 triệu tấn gạo đưa ra giúp tăng một phần giá trong giai đoạn này. Nhưng tạm trữ cũng làm cho nhà quản lí không yên tâm, vì kho gạo của doanh nghiệp còn tồn đọng. Tình trạng chuyển gạo từ kho nhỏ sang kho lớn vẫn diễn ra và xem đó là sản phẩm tiêu thụ cho tạm trữ trong khi lúa ngoài đồng vẫn còn. Đây chính là vấn đề tiêu cực trong tạm trữ lúa gạo. Chủ trương tạm trữ là một chủ trương đúng, nhưng bắt buộc phải mua lúa trực tiếp của nông dân, giải quyết được lúa ngoài đồng trong vụ thu hoạch. 

Tạm trữ lúa thay gạo 

Đây cũng là một trong những giải pháp được chính quyền địa phương đưa ra để hỗ trợ nông dân. Ông Đinh Văn Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Thạnh Hưng, huyện Giồng Riềng, Kiên Giang cho biết, chi phí đầu tư cho sản xuất và bảo quan sau thu hoạch khá cao, vì vậy làm giảm lợi nhuận của nông dân. Ông mong muốn Chính phủ hỗ trợ nông dân vay vốn tạm trữ lúa trong nhà với mức 30 triệu đồng/ha, thời hạn hưởng lãi suất bằng 0 từ 3 – 4 tháng. Lúc lúa rơi vào giá thấp có thể trữ lại, đến lúc giá lúa cao sẽ bán ra, thu lợi nhuận trả lại ngân hàng. 

TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long chia sẻ, theo quy định, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có nhà máy chế biến và kho tạm trữ gạo. Nhưng vẫn còn thiếu một yếu tố, không phải doanh nghiệp nào cũng xây dựng vùng nguyên liệu cho chính mình, để từ đó có trách nhiệm bỏ vốn đầu tư sản xuất với chính cánh đồng mình, như nhà máy sấy, xay xát, chế biến,... Vì vậy, ông đề xuất, hiện nay, cả nước có 150 đầu mối xuất khẩu gạo, chỉ cần 100 đầu mối này chấp thuận đầu tư vùng nguyên liệu, mỗi doanh nghiệp khoảng 5.000 ha lúa, thì cũng có thể đạt 500.000 ha vùng nguyên liệu lúa cho xuất khẩu. Với năng suất tối thiểu khoảng 6 tấn/ha thì vùng nguyên liệu này có thể cung cấp 3 triệu tấn lúa, tương đương 1,5 triệu tấn gạo, vượt cả chỉ tiêu 1 triệu tấn gạo mà chính phủ đề ra trong mỗi vụ sản xuất. 

Khi doanh nghiệp đầu tư như vậy, họ sẽ sát cánh cùng nông dân, kí hợp đồng thu mua lúa 1 giá từ đầu đến cuối vụ thu hoạch. Nông dân sẽ không hoang mang đầu vụ giá cao, giữa vụ giá thấp. Hơn nữa, đây chính là cách để có thể giúp doanh nghiệp thu mua lúa trực tiếp của nông dân hài hòa theo sản lượng mà doanh nghiệp đầu tư theo từng vùng và tiến tới trữ lúa thay vì trữ gạo.
Mặt khác, hầu hết các doanh nghiệp chỉ dành 1/5 kho cho chứa lúa, còn lại là chứa gạo. Việc mua gạo tồn trữ sẽ tăng chi phí do tái chế lại. Vì vậy, chính doanh nghiệp phối hợp với nông dân, sản xuất, thu mua lúa, bảo quản lúa sẽ đi theo chiều thuận của quy trình sản xuất, bảo quản sản phẩm. 


Hồng Nhung
Chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo - Bài 1: Nông dân chưa được hưởng lợi
Chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo - Bài 1: Nông dân chưa được hưởng lợi

Ông Luốc đã thu hoạch xong trước tháng 3 và sau khi trừ chi phí, ông thu lợi 30 triệu đồng/ha. Vì vậy, đến khi có chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo, ông không còn lúa để bán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN