Ngay trong phiên đầu tuần (1/2), chỉ số tổng hợp S&P 500 đã ghi nhận đà tăng theo phần trăm lớn nhất kể từ ngày 24/11/2020, phục hồi sau khi chứng kiến hoạt động bán tháo mạnh mẽ trong tuần trước đó. Cổ phiếu của các công ty công nghệ và kinh doanh hàng tiêu dùng không thiết yếu có tên trong chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 2%, qua đó tạo lực mạnh nhất thị trường cho chỉ số này.
Sang đến phiên 2/2, cả ba chỉ số chủ chốt trên thị trường chứng khoán Mỹ đều tăng mạnh khi sự hưng phấn trên thị trường dâng cao. Tuy nhiên, đà tăng đã chững lại vào ngày 3/2 bất chấp dữ liệu cho thấy việc làm trong khu vực tư nhân của Mỹ và lĩnh vực dịch vụ tăng nhanh trong tháng 1/2021.
Hy vọng về gói kích thích kinh tế từ Mỹ và việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đã “tiếp sức” cho thị trường trong phiên 4/2, với cả hai chỉ số S&P 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite đều khép phiên ở mức cao kỷ lục.
Khép lại phiên cuối tuần (5/2), các chỉ số chủ chốt trên thị trường New York đều đóng cửa các mức cao. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,3% lên 31.148,24 điểm, gần sát mức cao nhất từ trước đến nay là 31.188,38 điểm ghi nhận trong phiên 20/1/2021.
Chỉ số S&P 500 cũng tiến thêm 0,4% và đóng cửa phiên ở mức 3.886,83 điểm, thiết lập mức cao kỷ lục mới, và là lần thứ 7 tính từ đầu năm 2021 đến nay.
Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,6% và khép lại phiên này ở mức 13.856,30 điểm. Đây cũng là mức cao mới và là lần thứ 8 trong năm nay.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones tiến thêm 3,9%. Còn chỉ số Nasdaq và S&P 500 tăng lần lượt 6% và 4,7% so với tuần trước.
Số liệu mới do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 5/2 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1/2021 đã giảm từ mức 6,7% của tháng 12/2020 xuống 6,3%, song nền kinh tế chỉ có thêm 49.000 việc làm do đại dịch COVID-19 tiếp tục tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh ở nước này. Theo bộ trên, số người có việc làm ở Mỹ hiện là 9,9 triệu người, thấp hơn mức kỷ lục vào tháng 2/2020 trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
Naeem Aslam, trưởng nhóm phân tích thị trường tại AvaTrade, nhận định, với các dữ liệu về tình hình việc làm của Mỹ, rõ ràng là sức mạnh "khổng lồ" ở nhiều lĩnh vực trước đây không còn nữa, điều này sẽ thúc đẩy các nhà lập pháp Mỹ triển khai mạnh mẽ gói kích thích kinh tế thứ hai.
Đây được cho là lý do mà thị trường vẫn thể hiện tâm lý tích cực, bên cạnh kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Cũng trong ngày 5/2, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự thảo ngân sách cho phép đảng Dân chủ thông qua gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.900 tỷ USD theo đề xuất của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden mà không cần sự ủng hộ của một số thành viên đảng Cộng hòa. Động thái trên diễn ra sau khi Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua dự thảo ngân sách này.
Một yếu tố đáng chú ý là cơn sốt mua vào cổ phiếu GameStop và các cổ phiếu khác hồi tuần trước lắng xuống. Tuần trước, nhà bán lẻ trò chơi điện tử GameStop là tâm điểm trên phố Wall khi giá cổ phiếu GameStop tăng 400% do nhà đầu tư cá nhân đổ xô mua vào.
Tuần này, giá cổ phiếu của công ty đã giảm 60% trong phiên giao dịch 2/2. Giới đầu tư ngày càng tin tưởng rằng sự biến động trong các cổ phiếu đó sẽ không làm giảm niềm tin vào thị trường chứng khoán nói chung.