Đề xuất này đang thu hút sự quan tâm của dư luận bởi cho đến nay, Bộ NN&PTNT chưa từng cấp phép cho nhập khẩu đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, phân bón, thậm chí đây còn là một điều cấm ở trong luật.
Chưa có tiền lệ
Vừa qua, Cục Hải quan TP Hải Phòng đã gửi báo cáo tới Tổng cục Hải quan về vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu và kiểm dịch đối với các loại đất nhập khẩu gồm đất sét, đất sét cao lanh, đất chịu lửa, đất sét bentonite… Đây là các loại đất đã nung, xử lý nhiệt thuộc nhóm 25.07 và 25.08.
Theo Tổng cục Hải quan, trong Luật Thương mại và Nghị định 187/2013-NĐ/CP của Chính phủ không quy định về quản lý nhập khẩu đối với đất. Do vậy, Tổng cục Hải quan đề nghị phía Bộ NN&PTNT tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), việc đưa đất, nhập khẩu sinh vật gây hại vào Việt Nam là hành vi bị cấm (khoản 5, điều 13 của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013), trừ trường hợp được đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT”.
“Trong trường hợp đặc biệt là đất hiến tặng hay phục vụ triển lãm thì phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT bằng văn bản”, bà Kim Anh cho biết thêm.
Còn theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT chưa có hướng dẫn về việc nhập khẩu đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc để làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ. Hiện nay, các DN chỉ được nhập những nguyên liệu là hóa chất, phụ gia làm phân bón theo Nghị định 202 của Chính phủ.
“Cần phải xem mục đích của việc nhập khẩu đất để làm gì, nếu doanh nghiệp nhập khẩu đất để làm nguyên liệu phân bón, thì thuộc quản lý của Cục Trồng trọt. Nhưng nếu việc nhập khẩu đất để làm nguyên liệu phi nông nghiệp thì không thuộc sự quản lý của Bộ NN&PTNT”, ông Ma Quang Trung cho biết thêm.
Tránh nguy cơ tiềm ẩn
Theo các chuyên gia nông nghiệp, việc nhập khẩu đất cần được kiểm soát chặt chẽ, nếu không có thể là con đường lây lan của nhiều loại sinh vật gây hại.
Do vậy, theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, việc siết chặt nhập khẩu đất theo quy định trong Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật là nhằm bảo vệ đa dạng sinh học trong nước. Vì khi nhập khẩu đất từ nước khác về Việt Nam, các loại đất này có thể mang theo các loại sinh vật gây hại mà chúng ta chưa kiểm soát được.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Xuân Lai, Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc nhập khẩu đất cần được xem xét thận trọng. Vì từ trước đến nay, chúng ta chưa nhập khẩu đất mà chỉ mang đi nước ngoài để phân tích. Hơn nữa, trong lĩnh vực nông nghiệp, nước ta cũng không cần thiết phải nhập khẩu đất”.
Còn theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, cũng đồng tình quan điểm có thể tận dụng các nguồn đất sét cao lanh, đất sét ở trong nước để tránh “chở củi về rừng”. Các loại đất này ở Việt Nam rất nhiều nên không cần thiết phải nhập khẩu để tránh lãng phí.
“Quan trọng nhất là phải biết được mục đích sử dụng của các DN nhập khẩu đất. Chỉ cho nhập trong trường hợp trong nước không sản xuất được, hoặc phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nhưng phải kiểm dịch chặt chẽ các mầm bệnh, nấm, vi khuẩn, vi sinh vật tồn tại trong đất, không để ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong nước như một số trường hợp trước đây”, TS Nguyễn Xuân Lai cho biết thêm.