Cụ thể, ông Nguyễn Văn Dục, Trưởng phòng dự án 4 - Ban Quản lý dự án Thăng Long (đơn vị trực tiếp quản lý thi công Quốc lộ 217) thông tin, taị cuộc họp giữa Ban Quản lý dự án Thăng Long, chính quyền địa phương (huyện Cẩm Thủy và Bá Thước), đơn vị bảo hiểm, nhà thầu, các bên đã thống nhất về thời gian xác định số hộ, số tiền được bồi thường theo quy định của cơ quan bảo hiểm là ngày 5/4/2021 và ngày 30/4/2021 là thời điểm kết thúc chi trả tiền bồi thường bảo hiểm cho các hộ dân.
Về một số kiến nghị của chính quyền địa phương sau gần 1 năm Quốc lộ 217 đoạn qua hai huyện Cẩm Thủy và Bá Thước được đưa vào khai thác liên quan đến vấn đề điểm đen giao thông, rãnh thoát nước bị chôn lấp và vỉa hè cao gây khó khăn cho người dân, ông Nguyễn Văn Dục cho hay, các kiến nghị trên sẽ được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết trong thời gian tới.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa liên quan việc thực hiện dứt điểm việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại nhà ở và công trình xây dựng của các hộ dân bị rạn nứt do thi công dự án Quốc lộ 217.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Thăng Long, sau khi tổng hợp các văn bản đề nghị của UBND huyện Bá Thước, tổng số hộ được đề nghị được bồi thường thiệt hại nhà ở và công trình bị rạn nứt do lu rung của nhà thầu trong quá trình thi công dự án là 934 hộ dân.
"Theo quy định của hợp đồng xây lắp, trách nhiệm bồi thường các thiệt hại này thuộc về nhà thầu", Bộ Giao thông Vận tải khẳng định. Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, hiện còn lại 667 hộ dân chưa được đền bù. Trong đó, có 277 hộ dân thuộc địa phận gói thầu 2.1 đã có kết quả giám định, hiện nhà thầu gói thầu 2.1 đang đôn đốc đơn vị bảo hiểm hoàn thiện hồ sơ giám định và thực hiện các thủ tục áp giá đền bù; 390 hộ dân thuộc địa phận gói thầu 2.2 chưa có kết quả giám định.
Để giải quyết dứt điểm các khiếu kiện của nhân dân địa phương, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tập hợp, xác nhận và cung cấp các đơn từ của các hộ dân bị ảnh hưởng (đối với gói thầu 2.2) cho nhà thầu và đơn vị bảo hiểm làm căn cứ kiểm tra độ xác thực của đơn đề nghị bồi thường, kiểm kê, giám định, công bố kết quả; phối hợp với Ban Quản lý dự án Thăng Long, nhà thầu và đơn vị bảo hiểm thống nhất phương án xử lý và giải quyết dứt điểm các khiếu nại của các hộ dân về hư hỏng nhà cửa tại thời điểm nhà thầu không còn sử dụng lu rung (đối với gói thầu 2.1).
Theo Ban Quản lý dự án Thăng Long, dự án đầu tư nâng cấp Quốc lộ 217 (giai đoạn 2) do liên danh Công ty cổ phần Tân Thành - Công ty Thống Nhất (thi công gói 2.1) và Liên danh Công ty Hoàng Long - Thanh Hóa và Cienco 1 (thi công gói 2.2)
Dự án nâng cấp Quốc lộ 217 (giai đoạn 2) dài 47 km đi qua ba huyện Cẩm Thủy, Bá Thước và Hà Trung của tỉnh Thanh Hóa được khởi công từ tháng 6/2018 và khánh thành thông tuyến từ giữa năm 2020. Dự án sử dụng vốn vay của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, dự án sau hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến không chỉ có ý nghĩa lớn với riêng tỉnh Thanh Hóa mà còn có vai trò vô cùng quan trọng với sự phát triển chung của khu vực khi tuyến Quốc lộ 217 - tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) và các đoạn tuyến đường 6, 6A, 6B - tỉnh Hủa Phăn của Lào thuộc Hành lang Đông Bắc của GMS (Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông tiểu vùng Mekong mở rộng) kết nối vùng Đông bắc Lào với Bắc Việt Nam và nối ra biển tại Thanh Hóa.
Giai đoạn I của Dự án Nâng cấp mạng lưới giao thông Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) phía Bắc thứ 2 - Nâng cấp quốc lộ Quốc lộ 17 trên địa bàn Thanh Hóa đã được hoàn thành vào tháng 1/2016. Dự án được khởi công từ tháng 6/2013 với tổng mức đầu tư 97,4 triệu USD (tương đương với khoảng 1.899 tỷ đồng) gồm 75 triệu USD vay ưu đãi từ nguồn vốn ADF của ADB và 22,4 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.