Chính sách Nhà nước cần minh bạch và có lợi cho doanh nghiệp

TS Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện nghiên cứu và quản lý chính sách kinh tế trung ương (CIEM)cho rằng, khi tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam có cơ hội lớn để cải cách kinh tế nhưng đồng thời cũng đứng trước nhiều khó khăn, trong đó có thách thức về mặt thể chế.


Xin ông đánh giá những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam khi trở thành thành viên chính thức của TPP?


Tôi cho rằng, đây là là cơ hội và cũng là một thách thức rất lớn. Cơ hội lớn nhất khi vào TPP là Việt Nam buộc phải thay đổi từ nội tại. Chúng ta phải chơi theo luật chơi chung và tuân thủ những quy định đã cam kết. Hiện nay, chúng ta có cam kết về nhiều lĩnh vực nhưng nhà đầu tư nước ngoài vẫn có thể nghi ngờ. Với TPP, các cam kết là không đảo ngược và có lộ trình rõ ràng, khi môi trường kinh doanh, chính sách được cải cách theo hướng có thể lường trước được thì sẽ giảm rủi ro nhiều cho doanh nghiệp.

Cơ hội lớn thứ hai là sự thay đổi cơ cấu thương mại thế giới. Hiện, Trung Quốc và một số nước khác là nguồn cung cấp hàng chế tạo lớn nhất cho thế giới. Nhưng với TPP, Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất thay thế Trung Quốc cung cấp hàng cho các nước TPP. Đây là cơ hội lớn nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là về mặt thể chế. Theo đó, trách nhiệm của Nhà nước là phải đưa ra những chính sách rõ ràng và minh bạch hơn. Nhà nước buộc phải chịu trách nhiệm với các quyết định chính sách của mình và nếu chính sách gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thì Nhà nước phải bồi thường. Nguyên tắc của TPP là chính sách có thể thay đổi nhưng chỉ thay đổi theo hướng có lợi hơn, không được có hại hơn cho doanh nghiệp.

Về thách thức, cần xác định khả năng Nhà nước và doanh nghiệp bị kiện có thể nhiều hơn. Vì cơ chế mới cho phép giải quyết các vấn đề theo hướng dân chủ hơn, Nhà nước và doanh nghiệp có thể kiện lẫn nhau. Vì vậy, đòi hỏi các cán bộ Nhà nước phải có trình độ tư pháp tốt, có đội ngũ luật sư, tư vấn pháp lý đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi của đất nước trước trước các vụ kiện.

Một thách thức nữa mà tôi hết sức lưu tâm là ảnh hưởng của TPP đến nông nghiệp khi 60% dân số của Việt Nam phụ thuộc vào lĩnh vực này. Ngay khi chưa vào TPP, hàng nông nghiệp nhập khẩu đã tràn vào nhiều như thịt bò, thịt lợn... Hiện nay, hàng nông sản được sản xuất theo hướng công nghệ cao, giá rẻ đang là thách thức đối với Việt Nam và nay với TPP, hàng nông nghiệp nhập khẩu càng có lợi thế. Đó là thách thức mà chúng ta cần có giải pháp vượt qua.

TPP có gì khác biệt với các Hiệp định khác, thưa ông?

Theo tôi có sự khác biệt lớn. Với các hiệp định thương mại trước, hầu như chúng ta chỉ giải quyết các vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, chẳng hạn như thuế quan, kiểm dịch…Nhưng với TPP, chúng ta còn phải giải quyết một loạt các vấn đề khác như tiêu chuẩn về sản xuất, về thể chế, pháp luật… Đơn cử như vấn đề quyền lợi của người lao động được quy định rất chặt chẽ, khác hẳn các hiệp định khác. TPP là một trong những hiệp định thương mại kiểu mới trong hợp tác quốc tế hiện nay, khác nhiều so với các cam kết trước đây.

´Hiệp định TPP bao gồm các điều khoản về mở cửa thị trường tài chính, cung cấp dịch vụ tài chính không biên giới, tạo thuận lợi trong việc chuyển tiền đầu tư… và đặc biệt là việc quản lý các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Ông đánh giá thế nào về tác động của các điều khoản này?
TPP có những quy định về lĩnh vực cung cấp dịch vụ qua thương mại điện tử hay là thanh toán điện tử qua Internet. Những quy định này có tác động xóa nhòa ranh giới giữa các nước, tuy nhiên mỗi nước có thể duy trì một cơ chế an toàn để kiểm soát dòng tiền vào ra trong hệ thống tiền tệ của nước mình. Có một ảnh hưởng lớn với các nước như Việt Nam là những tài khoản đó chúng ta sẽ không đánh thuế được như trước.
Đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), theo tôi tác động là khá lớn. Theo TPP, tất cả các khoản trợ cấp trực tiếp hay gián tiếp cho DNNN đều phải được công khai, minh bạch hóa và có những hạn chế nhất định, nếu vi phạm quy định, chúng ta sẽ phải bồi thường.

Thưa ông, có nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước thành viên tham gia TPP. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Hiện nay, Việt Nam đang phải chịu mức thuế cao nhất trong các nước thành viên khi vào thị trường Mỹ và thị trường Bắc Âu, chưa nói các nước khác. Khi vào TPP, mức thuế này sẽ được giảm xuống còn 0% với gần 90% dòng thuế. Có nghĩa, Việt Nam từ nước có mức thuế cao nhất trở về bằng nhau và về 0%. Đây được xem là lợi thế lớn. Một lợi ích nữa như tôi đã trao đổi ở trên là thay đổi cơ cấu thương mại. Với cơ chế TPP này, Việt Nam là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất thay thế Trung Quốc cung cấp hàng cho nội khối vì Việt Nam là nước có cơ cấu sản xuất hàng lao động và hàng chế tạo khá tương đồng với Trung Quốc.


Vậy ông đánh giá thế nào về tác động đối với ngành dệt may khi Việt Nam tham gia TPP?

Dệt may là ngành thường được đưa ra làm ví dụ để cổ vũ cho việc Việt Nam gia nhập TPP. Chúng ta phải thừa nhận là ngành dệt may Việt Nam đã tăng năng lực cạnh tranh và trở thành một trong những nhà cung cấp hàng dệt may trên thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng những lợi thế TPP thì Việt Nam phải sản xuất được nguyên liệu sợi và đây là điểm yếu của chúng ta.

Trong 1 tháng nay, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều đoàn doanh nghiệp nước ngoài đến khảo sát khả năng chuyển dịch nhà máy sản xuất sợi và các sản phẩm khác hưởng lợi từ TPP sang Việt Nam. Ngay cả doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư sản xuất sợi rất nhiều. Tuy nhiên, sản xuất sợi ảnh hưởng lớn đến môi trường, nên nhiều tỉnh còn ngần ngại. Đó là điều chúng ta phải cân nhắc.

Xin cảm ơn ông!
Minh Phương (thực hiện)
Ưu và nhược điểm của TPP
Ưu và nhược điểm của TPP

Với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ nhắm đến hai mục tiêu công khai: thứ nhất là thiết lập một chế độ thương mại và điều tiết thị trường chung, mang nhiều đặc điểm của chính hệ thống Mỹ, và thứ hai là đưa sản phẩm và dịch vụ Mỹ tiếp cận một thị trường rộng lớn với hơn 800 triệu dân và chiếm gần 40% GDP thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN