Tuy nhiên, cũng giống như những mặt hàng nông sản khác, rau củ quả của Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có thương hiệu để xuất khẩu ổn định. Nhằm tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản sang thị trường Pháp cũng như khu vực châu Âu, cuối tháng 6 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức thành công "Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018" tại Pháp.
Đảm bảo nông sản chất lượng cao
Với những trái phật thủ, thanh long, vải, xoài, chanh leo, bưởi, dừa, chôm chôm cùng hàng trăm loại gia vị nổi tiếng vùng nhiệt đới như sả, quế, hồi, thảo quả... lần đầu tiên được bày bán tại chợ đầu mối nông sản quốc tế Rungis ở ngoại ô Paris (Pháp) trong khuôn khổ Chương trình "Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018".
Đây là một trong những chợ đầu mối nông sản lâu đời và lớn nhất thế giới, trên diện tích 230ha, với doanh thu hơn 9 tỷ euro/năm và là nơi quy tụ sản phẩm nông sản của nhiều quốc gia. Sản phẩm nông sản được bày bán tại đây luôn được khẳng định về chất lượng, thương hiệu bởi nó không chỉ phục vụ cho thị trường Pháp, mà còn xuất khẩu sang các nước Châu Âu.
Tại "Tuần hàng nông sản VIệt Nam 2018", hầu hết khách tham quan đến từ các doanh nghiệp kinh doanh nông sản Pháp đều đánh giá cao chất lượng của nông sản Việt Nam, đặc biệt là trái cây tươi ngon, thực phẩm chế biến và gia vị của Việt Nam. Nhờ được thiên nhiên ưu đãi có miền khí hậu nhiệt đới nóng ẩm nên Việt Nam có nhiều hàng nông sản chất lượng cao, phù hợp với văn hóa ẩm thực của người Pháp cũng như châu Âu.
Hiện nay, các mặt hàng rau, củ, quả và thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 36 tỷ USD, Việt Nam nằm trong 15 quốc gia xuất khẩu nông - lâm - thủy sản lớn nhất thế giới.
Mặc dù có tiềm năng rất lớn, tuy nhiên theo các nhà kinh doanh thực phẩm của Pháp, để thu hút sự chú ý của khách hàng châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chính sách thương mại hấp dẫn hơn nữa, bảo đảm được chất lượng và xây dựng thương hiệu.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội, ông Layani, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc chợ Rungis của Pháp đã đánh giá cao những mặt hàng nông sản của Việt Nam tham gia tại "Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018" lần này. Ông cho rằng, các sản phẩm nông sản Việt Nam sẽ có thị trường hứa hẹn không chỉ ở Pháp, mà cả ở châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần quan tâm rất lớn hiện nay chính là chất lượng, thương hiệu và vấn đề an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Mai Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thành phố Hà Nội cho biết: “Tuần hàng nông sản Việt Nam 2018” tại chợ đầu mối lớn nhất châu Âu là kết quả của hơn một năm chuẩn bị của trung tâm phối hợp với chợ đầu mối Rungis. Đây là lần đầu tiên, hàng nông sản Việt Nam được giới thiệu trên quy mô lớn với các nhà nhập khẩu Pháp và châu Âu.
Tham dự tuần hàng này, các doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu với khách hàng Pháp và châu Âu nhiều mặt hàng trái cây tươi như: Xoài, phật thủ, thanh long, vải, chanh leo, bưởi, dừa, chôm chôm…; rau xanh các loại, gia vị tiêu, ớt, gừng, tỏi, nghệ, quế, hồi…; sản phẩm trái cây chế biến, gạo, hạt điều, chè, cà phê…, nhằm quảng bá, giới thiệu, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản của Việt Nam vào thị trường Pháp nói riêng, thị trường châu Âu nói chung.
Đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp về con số xuất khẩu tăng trưởng mạnh của mặt hàng rau củ quả cho rằng, diện tích trồng rau củ quả đã tăng lên ở các vùng sản xuất chủ yếu như Lâm Đồng, Đồng bằng sông Cửu Long,…
Bên cạnh đó, người dân cũng đã ứng dụng những tiến bộ trong khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và thu hái để tăng năng suất cũng như chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, những cải cách về hành chính hải quan cũng tạo điều kiện thuận lợi trong việc xuất khẩu rau quả; đồng thời các bộ, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực và thành công với việc phát triển, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, nguyên nhân là do các doanh nghiệp, cơ sở chế biến của nước ta có quy mô nhỏ, phân tán; công nghệ sản xuất lại lạc hậu, nên chủ yếu mới chỉ là sơ chế đơn giản. Các cơ sở sản xuất có dây chuyền chế biến hiện đại mới chỉ đạt từ 25% đến 30%, trong khi trung bình các nước ASEAN đạt 50%; năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản chủ lực của nước ta vẫn còn kém trong cạnh tranh so với các nước khác, bởi sản phẩm nông sản của chúng ta chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, nên giá trị gia tăng không cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản chủ lực của Việt Nam ra thị trường thế giới, các cơ quan chức năng cần tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thông tin về thị trường nông sản trên thế giới phục vụ cho doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất nhập khẩu hàng nông sản phù hợp, tránh thiệt hại và giảm những rủi ro không đáng có cho doanh nghiệp cũng như người nông dân.
Đồng thời bổ sung, điều chỉnh chính sách theo hướng thu hút đầu tư cho ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật xây dựng hình ảnh, nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Về lâu dài, nhà nước cần quy hoạch các vùng sản xuất, nuôi trồng thích hợp, đồng thời cần có sự điều phối theo nhu cầu xuất khẩu của thị trường. Đối với những mặt hàng ở thị trường có chính sách bảo hộ hay rào cản kỹ thuật cao, cần hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao, các kỹ thuật tiên tiến từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản chất lượng nông sản phù hợp với yêu cầu thị trường.
Về phía doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, cần chủ động nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu, bảo đảm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế. Những yêu cầu của VietGAP, GlobalGAP cần triển khai thực hiện với hầu hết các sản phẩm, vì đây sẽ là yêu cầu của các thị trường nhập khẩu trong tương lai.