Chất lượng làm nên thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên

Còn khoảng 1 tháng nữa, "thủ phủ" nhãn lồng Hưng Yên sẽ vào mùa thu hoạch chính vụ. Năm nay, thời tiết thuận lợi, nhãn cho tỷ lệ đậu quả cao nên người dân rất phấn khởi.

Chú thích ảnh
Người dân xã Tân Hưng, tỉnh Hưng Yên chăm sóc nhãn.

Ngoài việc mở rộng diện tích, những năm gần đây, người dân đặc biệt chú trọng đến yếu tố chất lượng, qua đó khẳng định thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên.

Dù chưa đến vụ thu hoạch nhưng vườn nhãn với hơn 200 gốc của gia đình ông Bùi Xuân Sử, ở xã Tân Hưng (Hưng Yên) đã có khách đến đặt mua với số lượng lớn. Năm 2020, gia đình ông chuyển từ trồng nhãn theo phương pháp VietGAP sang trồng nhãn theo hướng hữu cơ và cũng là một trong những hộ đầu tiên của tỉnh Hưng Yên trồng theo phương pháp này.

Nhãn trồng theo hướng hữu cơ nói không với thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng chế phẩm nano bạc, được pha cùng hỗn hợp xay gừng, tỏi, ớt phun trên lá, trên thân cây nhãn. Nhãn sạch chính là yếu tố quan trọng giúp vườn của gia đình ông luôn là địa chỉ tin cậy để khách hàng tìm đến, đặt mua khi đến vụ thu hoạch.

Theo ông Sử, việc chăm cây nhãn theo hướng hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng theo phương pháp truyền thống, VietGAP. Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá… được ủ sinh phẩm, khử mùi hôi tanh rồi hòa nước và tiến hành tưới gốc cây. Trồng nhãn hữu cơ đòi hỏi sự kiên trì, đặc biệt là những năm đầu khi chuyển đổi nhãn thường bị sốc dinh dưỡng nên mẫu mã của nhãn không đẹp, hiệu quả kinh tế không cao nên nhiều người cảm thấy chán nản.

"Với quyết tâm mang đến cho khách hàng những quả nhãn chất lượng, an toàn nhất, đến nay, gia đình tôi đã thành công với mô hình và được đông đảo khách hàng ưa chuộng. Sau 5 năm, cây đã thuần hóa với nguồn thức ăn mới nên chất lượng quả đồng đều, mã đẹp, có vị ngọt thanh. Hiện, vườn nhãn của gia đình tôi đã có một số doanh nghiệp đến đặt vấn đề, mua với số lượng lớn để phục vụ thị trường xuất khẩu", ông Sử nói.

Chú thích ảnh
Các thành viên của HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, tỉnh Hưng Yên chăm sóc vườn nhãn để chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.

Những năm gần đây, nhiều nhà vườn trồng nhãn tại Hưng Yên đã chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Điều này đã tạo ra sản phẩm nhãn sạch, an toàn đáp ứng các quy chuẩn trong tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện nay, toàn tỉnh có 20 vùng trồng nhãn xuất khẩu; trong đó có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại xã: Tân Hưng và Triệu Việt Vương; 5 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và 13 vùng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc.

Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu (Tân Hưng) là một trong những hợp tác xã trên địa bàn tỉnh được cấp mã số vùng xuất khẩu (OTAS) sang thị trường Mỹ và Úc. Giám đốc Hợp tác xã Trần Thị Bắc cho biết, luôn chú trọng yếu tố sản xuất an toàn để nâng cao chất lượng của quả nhãn. Do vậy, hợp tác xã luôn khuyến khích các thành viên chuyển từ sản xuất VietGAP sang sản xuất hữu cơ. Phương pháp này không chỉ bảo vệ sức khỏe của người trồng mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người trồng. Vụ nhãn năm nay, hợp tác xã trồng 18 ha; trong đó, có khoảng 5 ha được trồng theo hướng hữu cơ.

Theo bà Bắc, mong muốn lớn nhất của hợp tác xã là tìm được nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định, có giá hợp lý, giúp các thành viên có thu được giá trị kinh tế cao từ cây nhãn. Do đó, các thành viên trong hợp tác xã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất, canh tác tiên tiến, đăng ký mã vùng trồng, sẵn sàng đưa sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.

"Không riêng gì thị trường nước ngoài, chúng tôi mong muốn những quả nhãn sạch sẽ đến được tận tay người tiêu dùng, vì thế yêu cầu các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, ưu tiên sử dụng các sản phẩm phân bón hữu cơ, đáp ứng thời gian cách ly trước khi thu hoạch để bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm", bà Bắc cho hay.

Chú thích ảnh
Khách hàng tham quan vườn nhãn của gia đình ông Bùi Xuân Sử (trái) xã Tân Hưng, tỉnh Hưng Yên.

Còn theo chia sẻ của ông Trần Văn Mý, Giám đốc Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (Tân Hưng), các thành viên đặc biệt chú trọng đến yếu tố chất lượng của sản phẩm, do vậy từ khi thành lập, hợp tác xã tập trung vào phát triển cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, thời tiết thuận lợi cộng với việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc nên diện tích nhãn của hợp tác xã phát triển tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Dự kiến, trên 30 ha nhãn, hợp tác xã sẽ thu hoạch từ 250 - 300 tấn quả, sản lượng tăng từ 15 - 20% so với năm 2024. Hiện tại, các thành viên trong hợp tác xã đang tích cực chăm sóc các vườn nhãn để kịp thu hoạch vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8.

Ông Mý thông tin thêm, năm nay, thời tiết thuận lợi, dự báo sản lượng nhãn ở tỉnh Hưng Yên nói riêng và các tỉnh miền Bắc nói chung sẽ được mùa lớn, có thể cung sẽ vượt cầu. Để nhãn của hợp tác xã có đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chúng tôi đặc biệt chú trọng các khâu chăm sóc, chăm bón, bởi chúng tôi xác định yếu tố tiên quyết làm nên thương hiệu đó chính là chất lượng của sản phẩm. Vụ nhãn năm nay, hợp tác xã cũng đã lên kế hoạch đón các đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm vườn nhãn với tour du lịch "0 đồng".

"Khi đến với vườn, du khách sẽ được thưởng thức nhãn miễn phí. Nếu có nhu cầu đặt hàng chúng tôi sẽ cắt nhãn và cân ngay tại vườn. Mục đích chính của chúng tôi là quảng bá thương hiệu, để nhãn lồng Hưng Yên đến gần hơn với khách hàng", ông Mý nói và cho biết thêm, còn tận dụng mạng xã hội để quảng bá các công đoạn từ chăm sóc đến thu hoạch nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP để đưa quả "tiến vua" tới gần hơn với khách hàng.

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên, hiện tỉnh có khoảng 5.000 ha nhãn; trong đó có khoảng 1.700 ha sản xuất nhãn theo quy trình VietGAP, tập trung ở các xã Tân Hưng, Khoái Châu, Triệu Việt Vương, Hoàng Hoa Thám, Quang Hưng, Nghĩa Dân, Hiệp Cường, Hồng Quang… Đây là những vùng đất có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của cây nhãn.

Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hưng Yên cho biết, để nâng cao chất lượng nhãn quả tươi nói riêng, các mặt hàng nông sản nói chung, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách; xây dựng các đề án, mô hình phát triển nông nghiệp sạch theo hướng VietGAP, hữu cơ; mở rộng vùng trồng nhãn được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu. Cùng với áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào thâm canh để tăng năng suất, chất lượng nhãn quả, hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nhãn lồng được tỉnh, các địa phương đặc biệt chú trọng. Qua đó, nhãn lồng Hưng Yên đã được nhiều doanh nghiệp, siêu thị tìm đến ký kết tiêu thụ.

Đến nay, thị trường tiêu thụ nhãn được tiêu thụ qua nhiều kênh như hàng quà tặng, các siêu thị, cửa hàng rau quả sạch, chợ ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh... và xuất khẩu sang một số nước.

Bài và ảnh: Quang Nhiều (TTXVN)
Nhãn lồng Hưng Yên sẵn sàng chinh phục thị trường Nhật Bản
Nhãn lồng Hưng Yên sẵn sàng chinh phục thị trường Nhật Bản

Thời điểm này, các vùng trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang bước vào vụ thu hoạch. Đáng chú ý, nhiều hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng đã sẵn sàng xuất khẩu nhãn sang thị trường nước ngoài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN