Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư), việc di dời hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường điện của các địa phương chưa đáp ứng tiến độ gây khó khăn cho nhà thầu. Cụ thể, công trình hạ tầng điện bị ảnh hưởng của toàn dự án lên đến 424 vị trí đường trung hạ thế; 32 vị trí đường điện 110 kV; 32 vị trí đường điện 220 kV; 5 vị trí đường nước và 25 vị trí đường cáp viễn thông.
"Sau gần một năm thi công, các địa phương mới chỉ đạt được thỏa thuận với Ban chủ đầu tư về phương án di dời. Đối với tỉnh Bình Định hiện mới lựa chọn nhà thầu và cơ bản triển khai thi công xong móng cột đường điện 110 kV và 220 kV, đang tiến hành dựng cột và kéo dây. Trong khi đó, tỉnh Phú Yên mới đang triển khai lựa chọn nhà thầu", báo cáo của Ban Quản lý dự án 85 nêu rõ.
Ông Lê Văn Thanh, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu 11-XL (thi công từ Km0+200 - Km19+800) dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh chia sẻ, hiện nay do tiến độ di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống điện ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công gói thầu. Cụ thể như: về thi công hầm Sơn Triệu, sau nhiều tháng triển khai nhà thầu không thi công được tuyến hầm trái. Đặc biệt, việc thi công cửa hầm và san hầm cũng gặp rất nhiều khó khăn khi không đủ mặt bằng cũng như độ cao an toàn trong thi công vì vướng lưới điện.
Về thi công công trình cầu và đường tại gói thầu 11-XL, ông Lê Văn Thanh cũng cho hay, do vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật các nhà thầu không mở được tối đa các mũi thi công, hơn nữa việc thi công trong mùa mưa bão nơi có các công trình điện kỹ thuật là yếu tố gây mất an toàn cao như đổ trụ điện, phóng điện, rò rỉ điện ngoài ý muốn. Ngoài ra, các tuyến dây tiếp địa của các trụ điện không có hồ sơ vị trí nên nhà thầu cũng thường xuyên có tác động ảnh hưởng ngoài ý muốn trong việc đào đắp nền đường.
Đối với gói thầu 12-XL (thi công từ km 24+900 – KM 47+00), đại diện Ban Điều hành gói thầu này cho hay, gói thầu hiện có 15 điểm vướng mặt bằng điện; trong đó đáng kể nhất phải kể đến điểm vướng hạ tầng điện tại Km24+900-Km27+800; Km43+10; Km44+125.
Cũng như hai gói thầu trên, ông Nhữ Đình Văn, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu 13- XL13 (thi công từ Km47 - Km67) thông tin, tại vị trí cầu Km57+253 (vượt đường tỉnh 642), đường dây điện trung thế cắt qua trụ T3 dẫn đến nhà thầu không thể khoan cọc nhồi và thi công bệ thân trụ. Với cầu Kỳ Lộ tại Km63+328 là hạng mục chính của gói thầu, hiện cả bờ bắc và bờ nam đều vướng hạ tầng cột, dây điện, ảnh hưởng đến trình tự thi công kết cấu phần dưới và lao lắp dầm. Trong khi đó từ Km66 đến Km66+965 đoạn tuyến này vướng 3 cột, dây điện cao thế 110 kV, làm chia cắt mũi đào nền đường.
Ông Ngô Tùng Sơn, Phó Trưởng Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định cho hay, công trình di dời các tuyến điện cao thế 110 kV và 220 kV phục vụ thi công dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh qua địa bàn tỉnh Bình Định do đơn vị làm chủ đầu tư. Hiện Ban Giải phóng mặt bằng tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thi công hạ tầng điện ngoài hiện trường để kịp bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý dự án 85 thực hiện dự án cao tốc qua địa bàn.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư), hiện toàn tuyến cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, các nhà thầu đã huy động 63 mũi thi công với 825 đầu máy, thiết bị, 242 kỹ sư và 1.437 công nhân, lái máy. So với trước khi triển khai lễ phát động ("90 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh", các nhà thầu đã tăng thêm hàng chục mũi thi công và hàng trăm nhân lực với quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải ngân được giao.
Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án 85, tiến độ chung của dự án đảm bảo theo kế hoạch, một số nhà thầu có tiến độ giải ngân vượt tiến độ là Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng 168 Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng số 1. Tuy nhiên có một số một số nhà thầu tại các gói thầu còn giải ngân chậm như: Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt, Công ty cổ phần Sông Đà 10, Công ty cổ phần Xây dựng dịch vụ và thương mại 68, Công ty cổ phần Tập đoàn Cường Thịnh Thi, Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Trung Nam…
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tổng kế hoạch giải ngân trong 2 năm 2022 và 2023 của dự án thành phần cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh là hơn 5.346 tỷ đồng. Đến nay đã giải ngân được gần 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc giải ngân cho giải phóng mặt bằng, tái định cư còn chậm do việc phê duyệt và lựa chọn nhà thầu xây lắp tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật không đáp ứng tiến độ.
Trên toàn dự án, mặt bằng sạch có thể thi công đạt 51,95/57,79 km đã nhận từ địa phương. Các vướng mắc chủ yếu do còn một số hộ chưa đồng thuận nên còn "xôi đỗ" hoặc không có đường tiếp cận. Ngoài ra, các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận đền bù, giá thuê đất với người dân. Trữ lượng các mỏ cát cơ bản đủ cung cấp cho dự án, tuy nhiên công suất khai thác hiện khá thấp.
Do đó, đơn vị đề nghị Bộ Giao thông vận tải có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Định, Phú Yên chỉ đạo các địa phương khẩn trương bàn giao phạm vi mặt bằng còn lại, đặc biệt là các đoạn tuyến thuộc đường găng của dự án.
Về hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống đường điện, Ban Quản lý dự án 85 đề nghị Bộ Giao thông Vận tải có văn bản gửi Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam để chỉ đạo Tổng Công ty truyền tải điện Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, Công ty Điện lực các tỉnh Bình Định, Phú Yên phối hợp, hỗ trợ trong việc bố trí sớm lịch cắt điện để di dời hệ thống điện cao thế và trung, hạ thế đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trước đó, ngày 6/10, tại tỉnh Phú Yên, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam phối hợp cùng Ban Quản lý dự án 85 tổ chức Lễ phát động "90 ngày đêm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công dự án thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh".
Dự án thành phần Cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, một trong 12 dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) có điểm đầu kết nối Dự án thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn, thuộc phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Điểm cuối kết nối Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, thuộc thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tổng chiều dài tuyến khoảng 61,7 km (không bao gồm 5,1 km đoạn qua hầm Cù Mông). Đoạn tuyến đi qua tỉnh Phú Yên có chiều dài 42,07 km, đi qua tỉnh Bình Định có chiều dài 19,6 km. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 14.802 tỷ đồng; trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.154,13 tỷ đồng.