Cầu Mỹ Thuận 2 dài 6,61 km, trong đó phần cầu chính dài khoảng 1,9 km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế tối đa 80 km/giờ, có tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng. Đây là cầu dây văng lớn nhất do các nhà thầu Việt Nam thiết kế, thi công.
Video Cầu Mỹ Thuận 2 trên cao tốc Bắc Nam băng băng về đích:
Dự án khởi công ngày 16/3/2020 và đang "băng băng" về đích đúng tiến độ. Đến thời điểm này, tổng thể khối lượng thi công cầu đã cơ bản hoàn thành đạt 99%.
Các đơn vị thi công dự án đang tập trung thi công các hạng mục phụ trợ còn lại như: Sơn kẻ vẽ phân làn đường, lắp đặt hoàn thiện hệ thống dài phân cách giữa, kính chống ồn, hàng rào hộ lan, hệ thống điện chiếu sáng, ICT, an toàn giao thông...
Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phụ trách thi công dự án cầu Mỹ Thuận 2 (Ban Quản lý dự án 7 - đại diện chủ đầu tư), với tiến độ tăng tốc, tập trung thi công ngày đêm trong những ngày nước rút cuối cùng, dự án cam kết về đích đúng hẹn theo mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra, để đảm bảo nối thông đồng bộ với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, phục vụ người dân trong khu vực đi lại ngay trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cầu Mỹ Thuận 2 có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) kết nối với cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 80 (TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) kết nối với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ.
Sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác, cầu Mỹ Thuận 2 sẽ nối thông tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh về Cần Thơ, kết nối liên thông giao thông, giao thương giữa trung tâm kinh tế thương mại phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, góp phần hoàn thiện hệ thống vận tải, logistics trong khu vực, giảm áp lực giao thông ngày càng lớn cho cầu Mỹ Thuận hiện hữu đang quá tải và Quốc lộ 1A, nhất là trong những dịp lễ, Tết, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách và tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội các tỉnh Tây Nam Bộ.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án 7 chia sẻ, cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong 40 tháng, sớm hơn so với mục tiêu đề ra. Việc đầu tư xây dựng, đưa dự án vào khai thác cầu không chỉ là mảnh ghép quan trọng trong việc kết nối đồng bộ các dự án cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ, mà còn hiện thực hóa ước mong của người dân trong khu vực, thúc đẩy kinh tế xã hội vùng đất chín Rồng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ từ 4 giờ xuống còn hơn 2 giờ.
Trên công trường những ngày đếm lùi thời gian tới mốc khánh thành ngày 24/12/2023, dưới nền nhiệt độ nắng gay gắt tới gần 40 độ C, hàng trăm kỹ sư, tư vấn giám sát, công nhân, người lao động, cùng nhiều thiết bị chuyên dụng được các đơn vị thi công huy động tối đa, hoạt động liên tục để đảm bảo tiến độ hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án...