Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 40 ở Đà Nẵng, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, nhất là ở cơ sở đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức về ý nghĩa kinh tế - chính trị của kênh tín dụng ưu đãi, về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội.
Nổi bật nhất là việc nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thành phố qua NHCSXH để cho các đối tượng chính sách vay đã tăng hơn 10 lần, đạt 994 tỷ đồng đến hết tháng 2/2020, chiếm 38,5% tổng nguồn vốn của chi nhánh. Trong đó, các quận, huyện cũng trích ngân sách ủy thác và đồng thời các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước đều đã tập trung về một đầu mối NHCSXH.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Đà Nẵng đã dành kinh phí 3% trích từ thu lãi để hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất cho NHCSXH nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hộ nghèo và các đối tượng chính sách. UBND các cấp hỗ trợ kinh phí tổng kết hoạt động tín dụng chính sách hằng năm và khen thưởng. UBND thành phố cũng hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng đặc thù của địa phương như hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ hoàn lương, hộ thuộc diện di dời giải tỏa khu vực làng Vân, người khuyết tật vay vốn để tạo việc làm.
Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH thành phố đã chỉ đạo NHCSXH phối hợp với Công an Đà Nẵng ký kết quy chế phối hợp để đảm bảo an toàn tại trụ sở, trong hoạt động vận chuyển tiền, giao dịch xã và xử lý nợ tồn đọng; kịp thời cung cấp thông tin nhằm ngăn chặn tín dụng đen ảnh hưởng đến các đối tượng chính sách.
Đối với hoạt động tín dụng, các cấp ủy đảng đã chỉ đạo chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát; tích cực tham gia, phối hợp chặt chẽ với ngân hàng trong việc quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, coi đây là một giải pháp hiệu quả để giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.
Theo đó, UBND cấp xã thực hiện nghiêm túc từ khâu xác nhận hộ vay đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ hoạt động giao dịch tại xã; định hướng phương án sản xuất và tham gia quản lý nợ vay. Các hội đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH chủ động kiểm tra, hướng dẫn các tổ trưởng, tổ viên của tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) hoàn thiện hồ sơ và thực hiện quy trình cho vay vốn; chấp hành nghiêm túc nguyên tắc quản lý dân chủ, công khai từ cơ sở, tạo điều kiện cho người có đủ điều kiện được tiếp cận dịch vụ của ngân hàng. Các chương trình tín dụng cũng được lồng ghép với các chương trình khuyến khích sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, xây dựng hạ tầng, các chương trình văn hóa xã hội, qua đó giúp hộ vay nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương. Do đó, định kỳ theo quý, 6 tháng và 1 năm, các cấp ủy đảng đều có đánh giá, lấy tiêu chí chất lượng hoạt động tín dụng chính sách là một trong các tiêu chí xếp loại thi đua của đơn vị.
Tham dự một buổi tổng kết hoạt động năm về tín dụng chính sách xã hội ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, chúng tôi mới hiểu công tác tổng kết được triển khai đồng bộ, bài bản từ cơ sở là các phường, xã đến cấp thành phố đã mang ý nghĩa rất lớn. Buổi tổng kết chỉ ngắn gọn trong khoảng 1 giờ đồng hồ trước khi tiến hành phiên giao dịch định kỳ hằng tháng nhưng lại rất đầy đủ những ý kiến đánh giá, trao đổi và đưa ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động, đồng thời gắn với thi đua khen thưởng.
Với sự quan tâm vào cuộc chung tay giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của cấp ủy, chính quyền các cấp, chất lượng tín dụng chính sách xã hội ở Đà Nẵng đã được nâng cao với 100% xã, phường qua đánh giá xếp loại tốt; 99,6% tổ TKVV xếp loại tốt, khá, không có tổ yếu. Điều này đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hộ thoát nghèo, nhiều việc làm được tạo ra, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, góp phần vào mục tiêu xây dựng thành phố “4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và an sinh xã hội).