Theo đó, hai giống nho ăn tươi NH01-152 và NH04-102 được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới tại các Quyết định số 521/QĐ-TT-VPBH, Quyết định số 522/QĐ-TT-VPBH ngày 5/11/2024, bằng bảo hộ có hiệu lực trong thời gian 25 năm.
Tiến sĩ Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố cho biết: Để góp phần phát triển thương hiệu nho và các sản phẩm từ nho của Ninh Thuận, bản quyền giống là yếu tố quyết định giúp cây nho Ninh Thuận ổn định thị trường trong nước và hướng đến vươn ra thị trường thế giới. Vì thế, thời gian qua Viện Nha Hố đã hoàn thiện các hồ sơ đề nghị cấp bằng bảo hộ cho các giống nho nói riêng và một số giống cây trồng khác nói chung.
Các giống nho ăn tươi có khả năng cho năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Ninh Thuận, điển hình như các giống nho: NH01-48 (nho xanh), NH01-152, NH04-102 (nho ngón tay đen không hạt)... đã được chuyển giao và phát triển trong sản xuất, từ đó đã tạo bước nhảy vọt về chất lượng cũng như hiệu quả kinh tế của cây nho tại Ninh Thuận.
Cụ thể, giống nho ăn tươi NH01-152 đã được công nhận sản xuất thử từ năm 2019, giống nho này có phổ thích ứng khá rộng, thời tiết nắng nóng nhưng cây vẫn đậu quả tỷ lệ cao, khả năng kháng sâu bệnh khá tốt. Tùy theo chế độ canh tác, giống nho NH01-152 cho năng suất bình quân 12 - 16 tấn/ha/vụ; trong điều kiện thâm canh đạt 18 - 20 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 vụ/năm. Đây là giống nho có nhiều ưu điểm vượt trội như quả to, trọng lượng chùm dao động từ 500 - 800 gram, vỏ quả dày, thịt chắc, giòn, độ ngọt vừa phải. Nho có vị thơm nhẹ đặc trưng, khi chín trái có màu đỏ vang rất đẹp. Theo đánh giá, chất lượng quả của giống nho NH01-152 tương đương với sản phẩm nho cùng loại từ nước ngoài nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Đối với giống nho NH04-102 có nguồn gốc từ các giống nho của viện, được trồng trên giống gốc ghép Couderc 1613. Qua kết quả đánh giá cho thấy, giống nho NH04-102 được trồng theo mô hình giàn nho chữ Y trong nhà màng có mái che và lưới chắn côn trùng đã thể hiện nhiều ưu điểm nổi bật. Giống nho này sinh trưởng khỏe, cây dễ ra hoa đậu quả, tính chống chịu sâu bệnh khá, từ lúc trồng đến khi thu hoạch lứa quả đầu tiên từ 8 - 10 tháng, thời gian sinh trưởng từ lúc cắt cành đến khi thu hoạch quả chín khoảng 115 - 130 ngày (tùy từng vụ).
Giống nho NH04-102 có hình dạng quả dài, hình ngón tay, khối lượng quả trung bình từ 4 - 5g; khối lượng chùm trung bình từ 300 - 500g; độ brix trên 16%. Năng suất thu hoạch đạt từ 1,2 - 1,5 tấn/1.000 m2/vụ, tương đương từ 12 - 15 tấn/ha/vụ, sản xuất được 2 - 2,5 vụ/năm. Điểm nổi bật của giống nho NH04-102 là khi chín chuyển sang màu tím đen rất bắt mắt, thịt quả chắc giòn nhẹ, không hạt, vị ngọt đậm. Cuống quả đóng chặt, ít rụng nên rất thuận lợi khi bảo quản và vận chuyển. Ngoài mục đích dùng cho ăn tươi thì nho NH04-102 có thể làm nho sấy khô.
Tiến sĩ Phan Công Kiên chia sẻ thêm, trước đây hai giống nho chuyên cho sản xuất rượu là NH02-37 (nguyên liệu vang trắng) và NH02-97 (nguyên liệu vang đỏ) do các nhà khoa học của Viện Nha Hố tuyển chọn cũng đã được cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Như vậy, đến hiện tại đã có 4 giống nho của viện được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng mới. Hiện nay, trong vườn tập đoàn quỹ gene nho của viện đang có trên 230 mẫu giống nho các loại gồm các giống nho ăn tươi, giống nho rượu, giống nho sấy khô (làm mứt), giống nho chuyên làm gốc ghép và giống nho lấy lá.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có trên 1.000 ha nho, trung bình mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 26.000 - 28.000 tấn nho ăn tươi. Để đưa các giống nho chất lượng cao vào sản xuất góp phần gia tăng lợi nhuận trên đơn vị diện tích canh tác, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất nho VietGAP, đưa giống nho mới vào phát triển diện tích trên cánh đồng lớn tại các địa phương. Cùng với đó, kết hợp phát triển du lịch sinh thái tham quan vườn nho, quảng bá thương hiệu giống nho ăn tươi chất lượng cao của địa phương.