Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Cảng hàng không quốc tế Long Thành và tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hai dự án trọng điểm quốc gia đã được Quốc hội khóa 14 ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 thực hiện trong nhiệm kỳ này; trong đó, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến sẽ trình Quốc hội về phương án triển khai xây dựng trong kỳ họp tháng 10/2019.
Đối với dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hiện nay đã phê quyệt 11 dự án thành phần. Đặc biệt, có 3 dự án sử dụng vốn ngân sách 100% và 8 dự án sử dụng vốn ngân sách cùng với vốn của nhà đầu tư phối hợp theo hình thức đối tác công tư - PPP. Đáng lưu ý, trong 8 dự án PPP, toàn bộ hạng mục giải phóng mặt bằng sử dụng ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, Nhà nước cũng sẽ đầu tư một phần trong xây lắp đối với 8 dự án PPP.
“Đến thời điểm này, 11 dự án thành phần tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được phê duyệt khung chính sách, đánh giá tác động môi trường cũng như quy mô của từng dự án. Những dự án này hiện đã được đấu thầu thiết kế và các thủ tục khác”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến trong tháng 4 tới, Bộ sẽ bàn giao hồ sơ mặt bằng cho 13 tỉnh thành có tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua. Từ tháng 4 đến cuối năm 2019 sẽ tiến hành kiểm đếm, bố trí tái định cư để đến năm 2020 sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Dự kiến kinh phí bố trí giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là hơn 14.000 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2019, 13 tỉnh sẽ được chuyển số tiền 7.000 tỷ để chi trả đền bù, tái định cư cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, tháng 6 này sẽ tổ chức khởi công đối với 3 dự án thành phần tuyến cao tốc phía Đông và từ tháng 9 đến tháng 12 sẽ đấu thầu quốc tế đối với 8 dự án PPP để chọn nhà đầu tư. Đến năm 2021 sẽ thông xe 654 km tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo đúng kế hoạch.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông có tổng mức đầu tư dự kiến trên 118.700 tỷ đồng đi qua 13 tỉnh gồm: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.