Cảnh báo về an toàn lao động khi thi công các công trình thủy điện

Thời gian gần đây, liên tục xảy ra tai nạn lao động thương tâm khi thi công các công trình thủy điện.

Chú thích ảnh
Hiện trường xảy ra vụ sạt lở tại công trường thủy điện Tả Páo Hồ 1A (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: TTXVN phát

Gần đây nhất, vụ sạt lở tại công trình Thủy điện Tả Páo Hồ 1A (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút sáng 16/5 đã khiến 5 người tử vong, 4 người bị thương.
Trước đó, vào cuối năm 2024, tại công trình thủy điện Đăk Mi 1 tại xã Đắk Choong, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng trong lúc thi công đập ngăn dòng. Một khối bê tông lớn bất ngờ đổ sập từ vai đập, khiến 5 công nhân đang thi công tử vong.

Đây như là những “hồi chuông” cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động khi thi công các công trình thủy điện. PGS.TS Vũ Thanh Ca, Nguyên Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN xoay quanh vấn đề xây dựng thủy điện và đảm bảo an toàn trong thi công.

Đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng tại các công trình xây dựng thủy điện nhỏ. Yếu tố phòng chống thiên tai được quy định thế nào trước khi tiến hành dự án xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, thưa ông?

Sạt lở đất do thủy điện gây ra chủ yếu xảy ra ở khu vực bờ hồ, thường là những khu vực ít có hoặc không có người sinh sống nên tác động của nó không lớn.

Tuy nhiên, khi xây dựng thủy điện thường phải cắt sườn núi để làm đường. Việc cắt các sườn núi, tạo ra những độ dốc lớn trên các sườn núi về phía các taluy dương và âm sẽ tạo ra những bất ổn về địa chất. Các con đường này nếu không được thiết kế và xây dựng một cách chuẩn mực thì các bất ổn địa chất có thể gây sạt lở, đặc biệt là sạt lở từ phía taluy dương.

Quá trình thi công xây dựng các đập cũng gây ra những bất ổn địa chất tương tự như vậy. Sạt lở có thể xảy ra những thiệt hại nghiêm trọng khi mưa lớn.

Vụ sạt lở vừa xảy ra tại tại công trường thi công công trình Thủy điện Tả Páo Hồ 1A ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) làm chết 5 người và bị thương 4 người là một trong những vụ sạt lở nghiêm trọng do thi công công trình thủy điện.

Có những biện pháp kỹ thuật để hạn chế sạt lở khi làm đường trên sườn núi nói chung và khi xây dựng các đập thủy điện nói riêng. Trước hết, khi xây dựng trên sườn núi, cần hết sức hạn chế tạo ra những thay đổi gây mất cân bằng tự nhiên đối với đất, đá trên các sườn núi. Để đảm bảo công trình ổn định, giảm thiểu sạt lở, cần chú trọng xây dựng các công trình tiêu thoát nước, đặc biệt là tiêu thoát nước ngầm trong đất đá khu vực sườn núi để tránh tác động của áp suất thủy tĩnh do nước ngầm tích tụ trong đất, đá trên sườn núi gây ra.

Đơn vị thi công phải nạo vét và di chuyển hết các khu vực đất đá có nguy cơ gây sạt lở cao trên các mái dốc, đồng thời tạo những mái dốc có độ dốc thích hợp với mức độ rắn chắc của nền đất đá; bảo vệ, chống xói mòn và tạo rãnh trên bề mặt mái dốc bằng cách trồng cỏ hoặc sử dụng các loại vật liệu xây dựng phù hợp đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các sườn dốc, khắc phục ngay những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Ngoài các biện pháp công trình nêu trên, cần cấm hay hạn chế các hoạt động xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao trong điều kiện có mưa, đặc biệt là mưa lớn.

Theo ông, làm thế nào để cải thiện an toàn lao động tại các công trình xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, cần có cơ chế phối hợp nào giữa các cơ quan chức năng như phòng chống thiên tai, dự báo thời tiết với các nhà thầu xây dựng?

Việc xây dựng tại các sườn núi luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất. Hiện tại, các bản tin dự báo thời tiết đối với các vùng núi cao đều khuyến cáo về khả năng trượt lở đất khi có mưa lớn. Bởi vậy, nhà thầu cần dừng hết công việc khi có mưa, đặc biệt là mưa lớn, để giảm thiểu nguy cơ sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại về người và tài sản.

Tuy vậy, nhà thầu tại công trường thi công công trình Thủy điện Tả Páo Hồ 1A vẫn tiếp tục cho thi công xây dựng cho thấy nhà thầu chưa nhận thức được mối nguy cơ này. Tôi cho rằng có thể xem xét, bổ sung vào bản tin dự báo thời tiết và quy trình thi công các công trình trên sườn núi dốc về việc dừng các công trường thi công tại đây khi có mưa, đặc biệt là mưa lớn.

Tóm lại, việc xây dựng các thủy điện, đặc biệt là thủy điện vừa và nhỏ và thủy điện bậc thang là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng trong khi vẫn hạn chế các tác động môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính và chống biến đổi khí hậu, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Việt Nam.

Tuy vậy, cần nâng cao nhận thức của toàn dân, đặc biệt là những nhà thầu thi công công trình và công nhân để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất gây ra.

Chú thích ảnh
Đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân vụ sạt lở khi đang thi công tại công trường thủy điện Tả Páo Hồ 1A (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Ảnh: TTXVN phát

Xin ông cho biết, vai trò của thủy điện vừa và nhỏ trong sản xuất cung ứng điện? Cần làm gì để giảm thiểu tác động đến môi trường từ việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ hiện nay?

Trên thế giới, thủy điện được coi là một dạng năng lượng sạch. Nó là năng lượng tái tạo, không sản sinh ra các chất thải độc hại, thí dụ thủy ngân, các o-xít ni-tơ và lưu huỳnh, khí CO như các nhà máy nhiệt điện.

Thủy điện là nguồn năng lượng rất hiệu quả để ổn định lưới, giúp nâng cao khả năng khai thác các nguồn năng lượng sạch khác như điện gió, điện mặt trời. Thời gian khởi động các nhà máy thủy điện rất nhanh, tính bằng phút, nên khi các nguồn điện gió, mặt trời ngừng cấp điện do biến động thời tiết, thủy điện có thể lập tức cấp điện để bù vào lượng điện thiếu hụt.

Thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, cũng có thể sử dụng để cấp thêm điện tại những thời điểm khi nhu cầu dùng điện tăng cao (cung cấp bổ sung công suất phủ đỉnh cho hệ thống điện), thí dụ như trong khoảng thời gian từ 6 đến 8 giờ tối.

Thủy điện cũng có nhiều tác dụng tốt với môi trường. Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng mà thủy điện đóng góp giúp tăng kinh phí để bảo vệ rừng. Các hồ thủy điện tạo ra sinh cảnh mới cho các loài cá tôm và là nơi để phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

Thủy điện tích nước vào mùa mưa, làm tăng mực nước dưới đất tại khu vực hồ chứa, do vậy giúp cho các hệ sinh thái ở khu vực gần hồ chứa phát triển tốt.

Ở hạ nguồn hồ chứa, việc xả nước phát điện vào mùa khô cũng làm gia tăng mực nước dưới đất, do vậy giúp hỗ trợ duy trì đa dạng sinh học ở hạ nguồn hồ chứa. Bản thân lượng nước chứa trong các hồ thủy điện có thể sử dụng phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt, nước tưới vào mùa khô.

Thủy điện cũng thải ra khí nhà kính, nhưng chỉ trong giai đoạn đầu và nếu chúng ta dọn sạch lòng hồ trước khi tích nước thì tác động này không lớn.

Như vậy, việc sử dụng thủy điện giúp nhanh chóng đạt được trạng thái trung hòa carbon và giảm biến đổi khí hậu. Thủy điện cũng không thải ra chất thải rắn, phóng xạ và theo quan điểm kinh tế môi trường, thủy điện tạo ra ít tác động ngoại ứng xấu tới kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, thủy điện vừa và nhỏ có thể tạo ra khá nhiều tác động tới môi trường. Để giảm tác động môi trường của thủy điện, cần phải hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng thủy điện. Cần phải lập, thẩm định và phê duyệt một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường có kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường của hồ, đập thủy điện để đảm bảo xem xét, giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường mà thủy điện đem lại.

Nói chung, các đập thủy điện cần thiết kế và xây dựng các “thang cá”, là những bậc thang có nước chảy liên tục từ đỉnh đập tới chân đập để đảm bảo cá có thể di cư ngược dòng và vượt qua đập.

Các đập thủy điện, đặc biệt là thủy điện nhỏ, cần có cửa xả đáy để đảm bảo thường xuyên xả bùn cát về hạ nguồn. Các đập thủy điện cũng cần phải được quy hoạch một cách hợp lý, tránh làm ngập các khu vực đất ngập nước có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái.

Cần xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy trình xả lũ và vận hành thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ và tác động ít nhất tới các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Thường xuyên quan trắc môi trường trong lòng hồ để đảm bảo quản lý được chất lượng nước hồ. Để đảm bảo an toàn cho người dân, cũng cần nghiên cứu kỹ về việc tái định cư cho người dân ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất và ngập lụt.

Trân trọng cảm ơn ông!

Văn Giáp/TTXVN (thực hiện)
Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân trong vụ sạt lở tại công trình thủy điện
Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ các nạn nhân trong vụ sạt lở tại công trình thủy điện

Liên quan vụ sạt lở tại công trình thủy điện Tả Páo Hồ 1A, ở xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, Lai Châu, khiến 5 người chết và 4 người bị thương, chủ đầu tư đã có thông tin chính thức liên quan đến vụ việc. Theo đó, bước đầu hỗ trợ cho các nạn nhân hơn 1 tỉ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN