Vĩnh Thạnh là huyện xa nhất của thành phố Cần Thơ, cách trung tâm thành phố hơn 80 km. Trung tâm thương mại huyện hiện có 60 quầy sạp của tiểu thương kinh doanh hàng hóa các loại.
Phát biểu tại Lễ ra mắt, ông Ngô Văn Tứng, Phó Giám đốc Viettel Cần Thơ cho biết, Vĩnh Thạnh là địa phương thứ năm trong số 9 quận, huyện của thành phố được Viettel triển khai mô hình này. Trước đó, chợ 4.0 đã có mặt tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Thốt Nốt và huyện Phong Điền.
Sau thời gian ngắn triển khai, mô hình Chợ 4.0 tại Trung tâm thương mại huyện Vĩnh Thạnh đã từng bước thu được nhiều phản hồi và kết quả tích cực.
Ông Ngô Văn Tứng cho biết, chỉ trong 1 tháng đầu tiên đã có 48 tiểu thương kinh doanh bên trong và xung quanh chợ đăng ký thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng Viettel Money của Viettel và con số này vẫn gia tăng từng ngày.
Hiện nay, vệc tiêu dùng không tiền mặt đang dần trở thành thói quen của người dân. Hiệu quả và tiềm năng từ việc phát triển Trung tâm thương mại Vĩnh Thạnh thành điểm thanh toán Chợ 4.0 đã và đang tạo đà để đơn vị nhân rộng mô hình này ra nhiều lĩnh vực trong huyện. Qua đó, góp phần từng bước hiện thực hóa sứ mệnh phổ cập tài chính số và “Kiến tạo số mới” thông minh hơn, hiện đại hơn.
Anh Vũ Hoàng Long, chủ cửa hàng bách hóa Diệu Hường ở Trung tâm thương mại Vĩnh Thạnh cho biết đã cài đặt và sử dụng Viettel Money được gần một tháng. Những ngày đầu do ít người biết nên số lượng khách hàng thanh toán không nhiều, nhưng hiện tại mỗi ngày cửa hàng của anh có 20 - 30 lượt giao dịch qua mã QR.
"Qua thời sử dụng tôi thấy thanh toán rất nhanh, mỗi lần giao dịch chỉ mất vài phút. Mình cũng không cần chuẩn bị tiền lẻ để trả cho khách. Tôi nghĩ thời gian tới phương thức thanh toán này sẽ ngày càng phổ biến", anh Long nói.
Theo ông Trần Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, mô hình Chợ 4.0 là bước đầu thực hiện kế hoạch của UBND thành phố Cần Thơ về "Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025". Để thực hiện chuyển đổi số theo mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, một tháng trước Lễ ra mắt, UBND huyện đã phối hợp với Sở Công Thương thành phố, Viettel Cần Thơ, Ban Quản lý Trung tâm thương mại huyện tổ chức tuyên truyền rộng rãi cho các hộ tiểu thương trong chợ về những tiện ích mà phương thức thanh toán hiện đại này mang lại.
Mô hình này giúp cho các tiểu thương và khách hàng thanh toán các giao dịch tiện lợi và nhanh chóng; tạo điều kiện cho người dùng tiếp cận phương thức thanh toán hiện đại, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, mua bán.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh đề nghị đề nghị Viettel Cần Thơ nghiên cứu thực hiện tiếp cận đồng thời tất cả các nhóm đối tượng để hình thành nên hệ sinh thái tài chính số. Cụ thể, tất cả các tiểu thương ở chợ sẽ chấp nhận thanh toán bằng hình thức số như một hình thức thanh toán nhanh và nhiều tiện ích (thanh toán qua số điện thoại, thanh toán QR, chuyển khoản). Đồng thời, đổi mới phong cách phục vụ, nâng cấp giao diện ứng dụng, đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho khách hàng tham gia quét mã QR... nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân di chợ quen dần với thanh toán không dùng tiền mặt; bố trí quầy hướng dẫn sử dụng tài khoản, nộp tiền, rút tiền của các ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ tại chợ cho người dân yên tâm khi sử dụng dịch vụ.
Cùng với Viettel Cần Thơ, mô hình "Chợ 4.0 - thanh toán không dùng tiền mặt" ở Cần Thơ cũng được Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) chi nhánh Cần Thơ triển khai tại chợ Tân An, Trung tâm thương mại Cái Khế, chợ Cổ Cần Thơ (quận Ninh Kiều), chợ An Thới (quận Bình Thủy), chợ Thới Lai (huyện Thới Lai) với hơn 3.000 điểm chấp nhận thanh toán và trên 54.000 khách hàng sử dụng.